TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về hiệu quả của chính sách tài chính trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
* PV: Thưa ông, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tài chính. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các chính sách đó?
- TS. Nguyễn Viết Lợi: Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và thực hiện thành công nhiều cơ chế, chính sách về tài chính – ngân sách nhằm huy động và phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) NNNT.
Kết quả, những năm qua, đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho NNNT liên tục được mở rộng. Tốc độ chi NSNN cho NNNT cơ bản được duy trì cao hơn tốc độ tăng chi NSNN chung. Ví dụ, giai đoạn 2009 - 2013, tổng số vốn đầu tư cho NNNT đạt 520.441 tỷ đồng, bằng 51,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu chính phủ, tăng 2,62 lần so với 5 năm trước. Giai đoạn 2011 - 2014, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 đã huy động được 591.170 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Giai đoạn 2011 - 2015, kinh phí bố trí để thực hiện các chương trình giảm nghèo là 33.842 tỷ đồng…
Cùng với vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng cho khu vực NNNT cũng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng tín dụng của khu vực nông nghiệp là 17,39%, cao hơn mức 13,51% của nền kinh tế… Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách ưu đãi, miễn, giảm về thuế, phí, lệ phí cũng đã góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đồng thời thu hút các DN đầu tư cho lĩnh vực NNNT, tạo điều kiện hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
|
Thông qua những chính sách tài chính này, giai đoạn 2011 - 2015, GDP nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,1%/năm; giá trị sản xuất tăng bình quân 3,6%/năm.
* PV: Thực tế, chính sách tài chính đã phát huy hiệu quả trong quá trình CNH HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy vẫn còn một số hạn chế. Theo ông, đâu là tồn tại lớn nhất hiện nay?
- TS. Nguyễn Viết Lợi: Theo tôi, có một số tồn tại đáng chú ý nhất hiện nay, đó là nguồn lực đầu tư cho NNNT còn hạn chế, hiện mới đáp ứng 55 - 60% nhu cầu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào NNNT còn thấp và có xu hướng giảm dần.
Chính sách huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy một số hạn chế như chưa có hướng dẫn về cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án; định mức phân bổ ngân sách hàng năm cho các địa phương thấp do những bất cập về tiêu chí, mức phân bổ và phương pháp xác định, nguồn lực huy động từ dân cư, doanh nghiệp (DN) có xu hướng tăng trong những năm đầu thực hiện nhưng sau đó giảm mạnh; nguồn thu từ sử dụng đất của một số địa phương thấp do nhu cầu đất ở và sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ở địa phương không lớn…
Bên cạnh đó, một số quy định về tín dụng ngân hàng khá chặt chẽ khiến nhiều hộ nông dân không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay. Đặc biệt, cơ chế chính sách huy động nguồn lực từ khu vực tư chưa đủ hấp dẫn. Ví dụ, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NNNT có thể sẽ khó phát huy hiệu quả nếu như các yếu tố rào cản là sản xuất manh mún, rủi ro thiên tai, vùng nguyên liệu không ổn định... chưa được cải thiện.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cũng đang đặt ra một số vấn đề như: BHNN là loại hình BH mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, địa bàn triển khai rộng (trên 20 tỉnh) và chưa tính đến đặc thù địa phương dẫn đến một số nơi dịch bệnh trên diện rộng và rủi ro thiên tai lớn, ảnh hưởng đến các DNBH tham gia chương trình thí điểm (bị thua lỗ), do đó khó thu hút được các DNBH tham gia khi chương trình thí điểm kết thúc; phạm vi BHNN rộng trong khi năng lực và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp của các DNBH còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong cung cấp dịch vụ và kiểm tra, giám sát rủi ro; chưa thu hút được nhiều đối tượng sản xuất lớn tham gia, khó khăn cho công tác thí điểm với nguyên tắc số đông bù số ít, đồng thời có thể gây sức ép ngắn hạn đến NSNN…
* PV: Vậy, để thu hút hơn nữa đầu tư của DN vào lĩnh vực này, các cơ chế, chính sách tài chính trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
- TS. Nguyễn Viết Lợi: Một là, chúng ta cần có cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là vốn FDI vào khu vực NNNT. Hai là, tiếp tục thực hiện ưu đãi ở mức cao về tài chính cho các dự án đầu tư vào NNNT, nhất là đối với các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn. Ba là, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực NNNT thông qua đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn vốn tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, hợp tác xã và DN dễ tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho người dân trong vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp… Bốn là, nghiên cứu để tiếp tục thực hiện chính sách BHNN nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp hạn chế được các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cuối cùng, đẩy mạnh thực hiện cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn nhằm khuyến khích các DN, tổ chức cá nhân đầu tư vào khu vực nông thôn.
* PV: Xin cảm ơn ông
Nam Khánh (thực hiện)