Thị trường chứng khoán hôm nay duy trì sức phục hồi khi có phiên thứ 3 tăng điểm liên tiếp. Các chỉ số chính trên các sàn đóng cửa trái chiều nhau, tuy nhiên mức độ biến động không lớn, mà chỉ là các nhịp rung lắc khi gặp các ngưỡng cản về kỹ thuật.

Trên sàn HOSE, gặp nhịp điều chỉnh trước phiên ATC chỉ số VN-Index mặc dù tăng rất nhẹ, tuy nhiên độ rộng của thị trường vẫn khá tốt, khi sắc xanh vẫn chiếm ưu thế.

Theo số liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index chỉ tăng +0,14 điểm (+0,01%) lên 1.268,57 điểm. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng hẳn về bên mua, khi toàn sàn HOSE có 252 mã tăng, 191 mã giảm và 64 mã đứng giá. Chỉ số VN30 giảm -1,2 điểm (-0,09%) còn 1.309,5 điểm. Ở rổ VN30 có 12 cổ phiếu tăng, 15 cổ phiếu giảm và 3 mã đứng giá. Nhóm Midcap và Smallcap tiếp tục phục hồi với mức tăng lần lượt +0,16% và +0,72%.

Chứng khoán hôm nay (26/5): VN-Index duy trì đà phục hồi, nhưng rung lắc trước ngưỡng cản kỹ thuật
Biểu đồ kỹ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: MBS.

Các cổ phiếu lớn đã hỗ trợ chỉ số VN-Index phiên này là: VHM (+1,18%), HPG (+1,6%), PLX (+2,78%), REE (+4,49%), BID (+0,57%), … đã bù đắp áp lực giảm giá ở các cổ phiếu khác như: MSN (-1,72%), VPB (-1,43%), NVL (-1,14%), GAS (-0,74%), MBB (-1,43%),…

Trên sàn Hà Nội, trong khi HNX-Index giảm nhẹ, thì UPCoM-Index tăng nhẹ. Theo đó, chỉ số HNX-Index giảm -1,62 điểm (-0,51%) xuống 313,29 điểm. Toàn sàn HNX có 100 mã tăng, 102 mã giảm và 51 mã đứng giá. Chỉ số UPCoM-Index tăng -0,17 điểm (0,18%) lên 94,95 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường giảm so với phiên hôm qua. Theo đó, tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.260 tỷ đồng, giảm 14% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 18%.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE còn 12.991 tỷ đồng so với mức 15.776 tỷ đồng ở phiên hôm qua và so với mức bình quân 12.600 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 514 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 525 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng sau phiên mua ròng nhẹ hôm qua. Khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại khi mua vào 35 triệu cổ phiếu, trị giá 1.180 tỷ đồng, trong khi bán ra 46,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.520 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 11,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là gần 340 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng trở lại 277 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là hơn 9 triệu cổ phiếu. Lực bán của khối này trên HOSE tập trung tại các cổ phiếu như VIC, DXG, BSR, VND, MSN, … Ở chiều ngược lại, FUEVFVND, DGC, VCI, GMD, SSI,… là những cổ phiếu/chứng chỉ quỹ được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.

Chứng khoán hôm nay (26/5): VN-Index duy trì đà phục hồi, nhưng rung lắc trước ngưỡng cản kỹ thuật
Dòng tiền lưỡng lự hơn khi VN-Index gặp ngưỡng cản kỹ thuật. Ảnh: TL.

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng trở lại gần 500 triệu đồng, tuy nhiên, nếu tính về khối lượng, dòng vốn này mua ròng 5.800 cổ phiếu. Còn trên UPCoM, khối ngoại chấm dứt chuỗi 7 phiên mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 62 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 2,3 triệu cổ phiếu.

Như vậy, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục phục hồi sang phiên thứ 3 liên tiếp, đây cũng là phiên tăng thứ 6 trong 8 phiên gần đây kể từ mức đáy ngày 17/5.

Theo các chuyên gia MBS, áp lực chốt lời cùng với việc cổ phiếu gặp các ngưỡng cản kỹ thuật đã khiến thị trường có những nhịp rung lắc như ở phiên chiều nay. Tuy vậy, chừng nào biên độ dao động còn thấp thì quá trình đi lên vẫn tiếp diễn.

Trên thực tế, việc thị trường giảm đà tăng hôm nay, thậm chí có điều chỉnh nhẹ trong hôm nay cũng là điều bình thường và có thể dự đoán. Việc các nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng có thể đã “ra hàng” để chốt lời khi một số cổ đã lãi 10% kể từ đáy. Hơn nữa, việc chỉ số VN-Index rung lắc trước ngưỡng cản cũng đã được dự báo. Độ rộng thị trường tốt, đà tăng được duy trì, thì rung lắc có thể còn tạo ra cơ hội để nhà đầu tư gom thêm hàng tốt.

Ngày mai (27/5), thị trường bước vào phiên cuối tuần, nhịp rung lắc có thể vẫn còn và sự thận trọng vẫn chưa dứt hẳn. Thị trường có thể còn được dự báo là vẫn rung lắc trước ngưỡng cản kỷ thuật, tích lũy và chờ đợi dòng tiền mới kích hoạt được nhịp hồi phục mới./.