Quy định rõ các công trình điện được chuyển giao

Bộ Tài chính cho biết, công trình điện là loại tài sản đặc thù, chỉ có ngành điện mới đủ chuyên ngành vận hành; đồng thời, chế độ khấu hao/hao mòn có sự khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, để bảo đảm việc quản lý vận hành liên tục, thông suốt đối với các công trình điện, việc bàn giao công trình điện là tài sản công (TSC) cho cơ quan điện lực hạch toán, quản lý vận hành ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng là cần thiết.

Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Chính thức có nghị định để thực hiện chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo đó, sau nhiều lần Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc chuyển giao công trình điện là TSC sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 02/2024/NĐ-CP quy định về việc này. Đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất, làm cơ sở cho việc chuyển giao loại TSC này được nhanh chóng, an toàn, kịp thời phục vụ việc cung cấp điện.

Tại Nghị định của Chính phủ đã quy định rõ các công trình điện là TSC được chuyển giao sang EVN gồm:

1) Công trình điện là TSC tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);

Sau nhiều lần Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc chuyển giao công trình điện là TSC sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 02/2024/NĐ-CP quy định về việc này. Đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất, làm cơ sở cho việc chuyển giao loại TSC này được nhanh chóng, an toàn, kịp thời phục vụ việc cung cấp điện.

2) Công trình điện là TSC giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tài sản công tại doanh nghiệp);

3) Công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước do Ban Quản lý dự án, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư (công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước);

4) Công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;

5) Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giá trị công trình điện tăng thêm do tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên công trình điện hiện hữu của đơn vị điện lực) do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hình thức không hoàn trả vốn và đơn vị điện lực thống nhất tiếp nhận (công trình điện có nguồn gốc ngoài NSNN);

6) Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc hình thành từ dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được các bên thỏa thuận chuyển giao cho đơn vị điện lực theo hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật, hoặc được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho đơn vị điện lực thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận (công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Các công trình điện phải đáp ứng đủ điều kiện quy định mới được chuyển giao

Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Nghị định của Chính phủ quy định rõ các điều kiện để chuyển giao các công trình điện là tài sản công. Ảnh minh họa

Để các công trình điện là TSC chuyển giao sang EVN được thuận lợi, tại Nghị định của Chính phủ đã nêu rõ các điều kiện để chuyển giao.

Cụ thể, công trình điện quy định tại các điểm 1,2,3,4 nêu trên được chuyển giao sang EVN theo quy định tại Chương II Nghị định này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh tại thời điểm xây dựng hoặc tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao (đối với công trình điện: Đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 110 kV trở lên; nhà máy điện, thiết bị, lưới điện đấu nối nhà máy điện với hệ thống điện quốc gia và các công trình phụ trợ của nhà máy điện);

b) Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;

c) Công trình điện đang vận hành (đang được sử dụng để phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;

d) Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2024. Kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành thì không áp dụng Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ để xử lý đối với công trình điện được quy định tại điểm 4 và điểm 6 như trên.

Đối với công trình điện quy định tại điểm 1, 2 nêu trên đáp ứng quy định tại điểm a, điểm d trên đây mà không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b, điểm c nhưng đơn vị điện lực xác định có thể thực hiện cải tạo, sửa chữa để tiếp tục vận hành thì được xác định đủ điều kiện chuyển giao.

Nghị định cũng nêu rõ, công trình điện quy định tại điểm 5 nêu trên được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Chương III Nghị định này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như đã quy định nêu trên và phải có khả năng cấp điện hoặc phát triển cấp điện cho các tổ chức, hộ dân tại địa phương.

Công trình điện quy định tại điểm 6 nêu trên phải đáp ứng các điều kiện chuyển giao theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Quy định rõ trách nhiệm cho bên giao và bên nhận

Nghị định của Chính phủ quy định rõ, khi có công trình điện cần chuyển giao, bên giao có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị chuyển giao gửi (trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc điện tử trong trường hợp đã có chữ ký số) tới bên nhận theo công bố của EVN.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình điện, bên nhận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bên giao thực hiện kiểm tra thực trạng công trình điện, đánh giá về việc đáp ứng các điều kiện chuyển giao theo quy định và lập biên bản theo mẫu.

Trường hợp công trình điện đủ điều kiện chuyển giao thì bên nhận chủ trì, phối hợp với bên giao thực hiện kiểm kê, xác định giá trị công trình điện chuyển giao theo quy định và thực hiện theo các nội dung được quy định tại Nghị định này.

Trường hợp công trình điện không đủ điều kiện chuyển giao thì bên nhận có văn bản thông báo cho bên giao biết công trình điện không đủ điều kiện chuyển giao, trong đó xác định cụ thể điều kiện không đáp ứng.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc kiểm kê, xác định giá trị công trình điện, thủ trưởng của bên giao ban hành quyết định chuyển giao công trình điện theo mẫu.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định chuyển giao, bên giao chủ trì, phối hợp với bên nhận thực hiện bàn giao, tiếp nhận công trình điện kèm theo hồ sơ theo quy định. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định.

Căn cứ biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản, bên nhận thực hiện ghi tăng tài sản, tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tại doanh nghiệp./.