Theo Bộ Tài chính, việc tổ chức triển khai đầy đủ, đồng bộ các nội dung của Nghị định 186 là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện 5 nhóm nội dung lớn.

Thứ nhất, cần tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị định đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để bảo đảm việc thực thi chính sách được kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt triển khai nghị định mới về tài sản công
Ảnh minh họa

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát và sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ với quy định tại Nghị định 186.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đấy đủ, kịp thời các trách nhiệm được quy định tại Nghị định 186. Trong đó lưu ý, chỉ đạo rà soát, xây dựng, báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công, gồm: giao tài sản; khoán kinh phí sử dụng tài sản công; khai thác tài sản công; thu hồi tài sản, điều chuyển tài sản, bán tài sản, thanh lý tài sản, tiêu hủy tài sản, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập để tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; phê duyệt đề án đối với tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương rà soát để bãi bỏ các quy định, phân cấp của HĐND cấp tỉnh đã được ban hành theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024, Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính phủ.

Đối với các thẩm quyền trong quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công giao chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định theo quy định tại Nghị định 186, trong thời gian chưa ban hành mới, có thể tiếp tục áp dụng các phân cấp đã có trước ngày Nghị định 186 có hiệu lực.

Đối với các địa phương thực hiện sáp nhập, hợp nhất thì thực hiện theo phân cấp hoặc quy định về thẩm quyền của địa phương được giữ tên sau sáp nhập, hợp nhất.

Đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Nghị định quy định rõ trách nhiệm ban hành hướng dẫn riêng về tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng trong lực lượng vũ trang, bao gồm: tính hao mòn, hình thức mua sắm, phương thức xử lý, đánh giá lại tài sản trong kho…

Thứ tư, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được giao ban hành phân cấp thẩm quyền về quản lý, khai thác, xử lý tài sản công đối với các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc.

Thứ năm, các đơn vị cần rà soát lại việc ban hành quy chế quản lý tài sản công, xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào tài sản công. Trường hợp chưa thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP thì phải khẩn trương triển khai theo quy định mới tại Nghị định 186/2025/NĐ-CP.

Ngoài ra, về công tác mua sắm tập trung, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan chủ quản quyết định đơn vị mua sắm tập trung theo hướng sử dụng lại tổ chức hiện có, không lập mới, không tăng biên chế. Đồng thời, công bố rõ thời hạn tổng hợp nhu cầu mua sắm để đảm bảo tính minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Nghị định số 186/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, thay thế 3 Nghị định trước đó là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP và Nghị định số 50/2025/NĐ-CP. Đây là bước hoàn thiện khung pháp lý nhằm tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công trong toàn hệ thống chính trị.