Họp báo công bố luật

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hạnh Thảo

Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chỉ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật trên (trong số 12 Luật) vừa được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua vào các ngày 12, 16, 19/6/2017. Mục đích của buổi họp báo nhằm thông tin đến toàn xã hội các điểm mới, nổi bật của các Luật. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp cũng như người dân có cách hiểu đúng và thống nhất các quy định trước khi các Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật Thủy lợi: Chuyển từ “phí” sang “giá” các sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

Mở đầu buổi công bố, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu về Luật Thủy lợi.

Theo đó, Luật gồm 10 Chương và 60 Điều quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác các công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý của nhà nước về thủy lợi.

Ông Cường cho biết, điểm mới của Luật Thủy lợi chính là việc chuyển từ “phí” sang “giá” sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cơ chế giá quy định tại Luật là cơ sở pháp lý để thu đúng, thu đủ từ các dịch vụ thủy lợi, tăng thu cho NSNN. Đồng thời, thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi “phục vụ” sang “dịch vụ”, gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi, giúp người sử dụng hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Luật Chuyển giao công nghệ: Tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động chuyển giao công nghệ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ được xây dựng nhằm thể hóa kịp thời các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ...; đồng thời, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo đó, ngoài việc kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, tại Luật mới còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: Sửa đổi, bổ sung chính sách của nhà nước; sửa đổi tiêu chí xây dựng Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao; bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp....

Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 và thay thế Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.

Luật Du lịch: Lấy khách du lịch làm trung tâm

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Luật Du lịch năm 2017 gồm 9 Chương, 78 Điều; giảm 2 Chương, 10 Điều so với Luật Du lịch 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch.

Điểm mới, đặc biệt của Luật Du lịch là lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Do đó, quy định về khách du lịch được chuyển từ Chương V Luật Du lịch 2005 lên Chương II Luật Du lịch 2007. Bên cạnh trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam, Luật Du lịch 2007 đã bổ sung thêm quy đinhh khách du lịch có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch để giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam.

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đến các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm đảm bảo Luật Du lịch năm 2017 phát huy hiệu quả tích cực khi triển khai trên thực tiễn.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nhiều hình thức hỗ trợ

Trình bày về những điểm mới của Luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương cho biết, với quan điểm xây dựng Luật là hỗ trợ DNNVV phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; hỗ trợ DNNVV chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ; thiết lập đồng bộ các chính sách về hỗ trợ DNNVV; tạo khung pháp lý để khuyến khích, huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ.

Theo đó, các DNNVV sẽ được hỗ trợ để tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất cũng như được hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung.

Đặc biệt, tại Luật có quy định các nội dung hỗ trợ trọng tâm. Theo đó sẽ hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành.

Luật Quản lý Ngoại thương: Đạo luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về ngoại thương đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả hơn, song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện. Đặc biệt, Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Theo đó, Luật Quản lý Ngoại thương được xây dựng nhằm bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động ngoại thương của thương nhân và tính cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý về các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ ngoại thương để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Luật có quy định rõ về các biện pháp phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp, các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch, các biện pháp hành chính....

Dự kiến có 5 Nghị định để triển khai Luật này. Hiện Bộ Công thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật.

Luật Đường sắt: Tư duy mới trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đường sắt

Giới thiệu về Luật, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, những điểm cơ bản của Luật Đường sắt 2017 là quy định cụ thể, chi tiết về chính sách phát triển đường sắt; kết cấu hạ tầng đường sắt; phát triển công nghệ đường sắt; phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như quy định về hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội....

Những quy định này sẽ giúp các cơ quan nhà nước có một tư duy mới đối với việc quản lý, sử dụng đường sắt, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động đường sắt.

Điểm mới của Luật chính là quy định về đường sắt tốc độ cao với các nội dung chủ yếu như: Chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng cũng như việc quản lý, khai thác, bảo trì... Theo ông Công, các nội dung quy định này sẽ là cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao ở nước ta trong thời gian tới.

Chiều cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục công bố 6 Luật tiếp theo: Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

An Nhi