Công tác phòng chống tham nhũng được người dân đánh giá tích cực
Đại diện nhóm nghiên cứu PAPI trình bày kết quả báo cáo. Ảnh: Luyện Vũ

Tham nhũng giảm ở 5/8 hoạt động công vụ đo lường

Chia sẻ thông tin về những phát hiện chính của báo cáo PAPI 2023, bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, so sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021 và năm 2022 cho thấy, nhìn chung hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị điện tử đã được cải thiện.

“Đây là bước tiến rất đáng hoan nghênh khi sau nhiều năm những chỉ báo, chỉ tiêu liên quan đến tham nhũng đã được cải thiện với mức độ hài lòng của người dân gia tăng” - bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Những vấn đề đáng quan ngại nhất với người dân

Kết quả khảo sát PAPI 2023 cũng cho thấy, trong năm 2023, có 3 vấn đề người dân cảm thấy đáng quan ngại nhất và cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tiếp theo, đó là: nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%). Những kết quả này cho thấy người dân thực sự quan ngại về tình hình kinh tế trong năm qua.

Thông tin rõ hơn về vấn đề này, đại diện cho nhóm nghiên cứu PAPI của UNDP, TS. Đặng Hoàng Giang cho biết, theo đánh giá của người dân, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023.

Mức thay đổi theo hướng tích cực hơn này cũng phù hợp với xếp hạng của người dân về các vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, tham nhũng đã giảm từ vị trí thứ 5 vào năm 2022 xuống vị trí thứ 6 vào năm 2023 trong danh mục top 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.

Bên cạnh đó, người dân có cảm nhận hiện trạng tham nhũng có xu hướng giảm ở 5 trong số 8 hoạt động công vụ đo lường qua PAPI. Đó là: cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng; người dân phải đưa "lót tay" để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính quyền địa phương nhận chung chi để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường; phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập và người dân phải đưa “bồi dưỡng” y tá, bác sỹ để được quan tâm hơn, khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công.

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát PAPI 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Đáng chú ý là số người cho rằng cần phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan nhà nước vẫn ở mức cao, mặc dù tỷ lệ người dân có cảm nhận như vậy đã giảm kể từ năm 2016. Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56% - 62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng “vị thân” này. Đây là điều mà Việt Nam cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

Bước tiến trong phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số

Một trọng tâm quan trọng khác của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử trong bối cảnh Chính phủ và chính quyền các cấp thúc đẩy việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và công dân số trong thời gian qua. Theo đó, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển các lĩnh vực này.

Kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020. Có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2023 cho biết họ đã dùng internet tại nhà, song “khoảng cách số” trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Đáng chú ý là tỷ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn từ 5% - 10% so với nữ giới và người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn từ 10% - 20% so với người Kinh qua các năm từ 2016 đến 2023.

Công tác phòng chống tham nhũng được người dân đánh giá tích cực

Một kết quả đáng khích lệ là số lượng công dân truy cập và thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) ngày càng tăng. Năm 2023, khoảng 8,3% số người được hỏi qua khảo sát PAPI 2023 đã truy cập Cổng DVCQG và 7,6% sử dụng Cổng DVC cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ đã ghi nhận từ khảo sát năm 2022. Thủ tục xin cấp mới hoặc cấp đổi hộ chiếu phổ thông là một trong số ít thủ tục hành chính công được người dân thực hiện nhiều nhất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Theo UNDP, tốc độ gia tăng tỷ lệ người dùng Cổng DVCQG 2 năm vừa qua hứa hẹn nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính công trên môi trường mạng của người dân sẽ ngày càng lớn một khi các dịch vụ hành chính công trực tuyến dễ thực hiện hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời, những phát hiện này cho thấy cần cải thiện tính dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng của các cổng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tính thuận tiện và toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân.

Một biện pháp thiết thực là thiết kế cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập và sử dụng mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, các cổng dịch vụ công phải đảm bảo quyền riêng tư của công dân.

Cải thiện hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương

Bên cạnh bức tranh nhiều màu thể hiện đánh giá của người dân về hiệu quả kiểm soát tham nhũng ở địa phương, kết quả khảo sát PAPI 2023 cũng cho thấy bức tranh có màu sắc “xám” hơn về hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương trong năm 2023.

Theo UNDP, công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công, bởi khi người dân có thông tin đúng đủ, họ mới có thể thực hiện “kiểm tra, giám sát” và yêu cầu cán bộ, công chức giải trình. Khảo sát cho thấy, có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã.

Nếu như từ năm 2018 đến năm 2022, có khoảng 43% - 46% số người được hỏi trên toàn quốc xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai, thì đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019.

“Mặc dù chúng ta thấy có những điểm sáng trong năm 2023, đặc biệt trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và trong thúc đẩy tiềm năng của quản trị điện tử, chúng ta vẫn còn có những mảng màu chưa sáng ở những lĩnh vực khác, nhất là trong đánh giá của người dân về mức độ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương. Dựa trên những dữ liệu này, chúng tôi mong rằng tất cả các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi cởi mở với các bên liên quan và có những hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo” - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi nhấn mạnh.