Chi phí không chính thức khi sử dụng dịch vụ hành chính công giảm

Thông tin về báo cáo PAPI, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, báo cáo PAPI 2024 cho thấy, người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024.

Người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024
Bà Đỗ Thanh Huyền chia sẻ về báo cáo PAPI

Cụ thể, có sự cải thiện ở hầu hết các chỉ số nội dung được đo lường trong báo cáo PAPI. Trong đó, có 4 nội dung được đánh giá có sự cải thiện đáng kể là: “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử”.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2024, 18.894 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 16 năm qua, có tới 216.673 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI từ năm 2009.

Ba lĩnh vực gồm kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, đạt được điểm số khá từ đánh giá của người dân trên phạm vi toàn quốc.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ người dân sử dụng cổng dịch vụ công cấp tỉnh để thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến đã tăng từ 7% trong năm trước lên khoảng 9% trong năm 2024. Đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, con số này có bước tiến rõ rệt hơn, tăng từ 8% lên gần 14%.

Một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Tây Ninh đã ghi nhận tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cao hơn. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của quản trị điện tử trong việc nâng cao hiệu quả hành chính công và cải thiện trải nghiệm của người dân.

Theo kết quả khảo sát năm 2024, tỷ lệ người dân cho biết họ phải trả chi phí không chính thức hoặc đưa “lót tay” khi sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc dịch vụ công đã giảm so với năm 2023. Báo cáo cũng khuyến nghị chính quyền các cấp tăng cường tính minh bạch trong cung ứng dịch vụ công, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ người tố cáo ngay sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại.

Đẩy mạnh chính phủ điện tử giúp cung cấp dịch vụ công nhanh chóng

Báo cáo PAPI 2024 được công bố trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai công cuộc cải cách nền quản trị công mang tính lịch sử, tái tổ chức các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là cơ hội lớn để chính quyền các cấp thúc đẩy quản trị bao trùm, nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách, từ đó giải quyết những thách thức mà người dân đã phản ánh thông qua PAPI.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số và đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là thông qua việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW. Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ công trực tuyến mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách số hiện nay, đảm bảo mọi người dân, bất kể giới tính, dân tộc hay khu vực sinh sống, đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng.

Người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024
Các diễn giả trong phiên thảo luận về Chỉ số PAPI 2024

Về vấn đề này, bà Renée Deschamps, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, việc đẩy mạnh chính phủ điện tử không chỉ giúp chính quyền địa phương cung cấp dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả hơn, mà còn là yếu tố cốt lõi trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam.

Bà Renée Deschamps cũng đánh giá cao việc Chính phủ đang tập trung vào phát triển công nghệ cao và ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực đời sống, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng quản trị công.

Phát biểu tại sự kiện, PGS. TS. Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, năm 2025 đã đi qua được 1/4 chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới nhưng Việt Nam vẫn đang quyết tâm thực hiện tầm nhìn phát triển của mình trong Kỷ nguyên mới.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng một hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Cuộc cải cách bộ máy lần này là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử nhằm khắc phục điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế phát triển đã được Đảng chỉ ra. Đó là việc bỏ cấp huyện, loại bỏ các khâu trung gian, chồng lấn, hướng tới một chính quyền quyền gần hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

“Cuộc cải cách lần này chắc chắn còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng đây là quyết định tất yếu, không thể không làm nếu muốn Việt Nam tăng trưởng bứt phá, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã đề ra. Cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc và phương thức hoạt động của các cấp chính quyền” - PGS. TS. Dương Trung Ý nhấn mạnh.

“Khảo sát PAPI 2024 cho thấy chỉ có 29% số người trả lời có bảo hiểm xã hội và tỉ lệ này ở nhóm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức và dân tộc thiểu số còn thấp hơn đáng kể. Việc mở rộng độ bao phủ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ góp phần giảm thiểu những quan ngại của người dân về đói nghèo và bất ổn kinh tế”- bà Deirdre Ní Fhallúin, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam chia sẻ.