Tiêu dùng sau tết giảm kéo CPI tháng 3 giảm 0,23%

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, CPI tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước.

CPI quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước liệu có đáng lo ngại?
Nhiều mặt hàng tại các siêu thị có mức giá bình ổn, giảm nhẹ so với giá mặt bằng chung. Ảnh: Minh Anh.

Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Tổng cục Thống kê cho rằng, theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 4 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Đáng chú ý, trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức 0,76%, làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực giảm 0,42%; thực phẩm giảm 1,19% đã kéo CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm.

Ngoài ra, ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Đây cũng là yếu tố khiến nhóm giáo dục giảm 0,29%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,34%.

Nếu xét theo quý, CPI quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu, như giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Lễ ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán tăng cao làm cho chỉ số giá gạo quý I/2024 tăng 21,71% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm.

Một số mặt hàng thiết yếu giảm giá là lợi thế

Theo ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%, nhưng lại giảm 0,23% so với tháng 2/2024.

Ông Phạm Văn Bình khẳng định, điều hành lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4 - 4,5%, vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành.

Cam sành Vĩnh Long bày bán tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op với giá chỉ 10.500 đồng/kg. Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phân tích kỹ hơn về các chỉ số trong tháng 3, ông Phạm Văn Bình cho biết, trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức 0,76%; trong đó, lương thực giảm 0,42%; thực phẩm giảm 1,19% đã kéo CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện, giá xăng dầu, tránh để tác động tới lạm phát.

Về các tháng còn lại của năm, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết, hiện Bộ Tài chính với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến thị trường, là đầu mối của các bộ, ngành để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những kịch bản điều hành cụ thể để đảm bảo CPI theo đúng mục tiêu đề ra.

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng gia đình như điện, xăng dầu, than là vô cùng quan trọng. Do đó, giá các mặt hàng này phải theo hướng từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, tăng cạnh tranh bình đẳng, giảm điều hành theo kiểu hành chính, nhiều đầu mối quản lý. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ giá bán cho sản xuất, tiêu dùng công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

Chuyên gia Ngô Trí Long dự báo năm 2024, giá xăng dầu được đánh giá ổn định nhưng đây vẫn là một ẩn số, do đó không thể chủ quan trong điều hành. Ngoài ra, việc tăng giá theo lộ trình một số dịch vụ y tế, giáo dục cũng tạo áp lực lên CPI.

Được biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đánh giá Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Khung giá dịch vụ giáo dục có thể giữ ổn định hoặc điều chỉnh với khu vực ngoài công lập. Đây là yếu tố có thể tác động lên CPI trong năm 2024.

Giá dịch vụ y tế và giá điện điều chỉnh vào cuối năm 2023 nên năm 2024 sẽ chịu ảnh hưởng. Dù vậy, các chuyên gia vẫn dự báo CPI của năm 2024 có thể sẽ xoay quanh 4%./.

Hiện Bộ Tài chính với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến thị trường, là đầu mối của các bộ, ngành để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những kịch bản điều hành cụ thể để đảm bảo CPI theo đúng mục tiêu đề ra.