Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và cho thấy tầm nhìn của đồng chí Tổng Bí thư về các vấn đề xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cách đây hơn 50 năm, góp phần làm sáng rõ bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về công tác xây dựng Đảng nói chung, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Cuốn sách của Tổng Bí thư thể hiện tầm nhìn của người lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh"

Cuốn sách gồm 612 trang, được chia thành 3 phần: Phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; Phần thứ hai: Nhất quán phương châm - Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, tuyển chọn 20 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên - công tác luôn được đồng chí Tổng Bí thư dành sự quan tâm đặc biệt dù ở trên cương vị công tác nào, ở thời kỳ nào. Trong đó, 14 bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ những năm đầu tiến hành Đổi mới đất nước đến nay; 8 bài viết về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có 4 bài được viết từ những năm 70 thế kỷ XX (1 bài viết năm 1973, 2 bài viết năm 1978 và 1 bài viết năm 1979). Những bài viết này thể hiện tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của đồng chí về “vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”.

Phần thứ ba: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tập hợp, chọn lọc 62 ý kiến đánh giá của các tầng lớp nhân dân, 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội và 24 ý kiến của các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện sự ghi nhận, ủng hộ, niềm tin tưởng sâu sắc của người dân thuộc mọi tầng lớp, ở mọi vùng miền, lãnh thổ đối với cuộc chiến chống “giặc nội xâm” được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đọc kỹ 8 bài viết của Tổng Bí thư từ năm 1973 đến năm 1990 cho thấy cái “Tầm”, “Tâm” và “Tài” của người đảng viên cộng sản suốt đời vì nước, vì dân. Bài đầu tiên có tiêu đề “Bệnh sợ trách nhiệm”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11-1973, với bút danh Người xây dựng. Ngay câu mở đầu, tác giả bài viết đã trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo.

Tác giả đã chỉ rõ căn bệnh sợ trách nhiệm và những biểu hiện của nó: Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên ta còn có những đồng chí sợ trách nhiệm.

Cuốn sách của Tổng Bí thư thể hiện tầm nhìn của người lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Huy hiệu 55 tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 2/2/2023.

Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm là: Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ.

Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động.

Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể.

Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.

Hậu quả có bệnh sợ trách nhiệm là: Một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.

Trong bài viết này, cái “Tầm” của người lãnh đạo được thể hiện rất rõ, ngay từ năm 1973 tức là khi đó mới 29 tuổi đời mà Tổng Bí thư tương lai của Đảng đã trích dẫn câu nói của Đimitơrốp: Người cán bộ phải có khả năng độc lập quyết định phương hướng trong mọi hoàn cảnh và không sợ chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Người nào sợ trách nhiệm không phải là một người lãnh đạo.

Từ việc chỉ ra bệnh sợ trách nhiệm, tác giả cũng chi rõ: Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó ngại phiền. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như Hồ Chủ tịch đã dạy.

Bài “Của công, của riêng” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số tháng 6-1978 đã cho thấy những trăn trở, tâm huyết của Tổng Bí thư đối với tài sản tập thể: Là những chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hơn ai hết, cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu giữ gìn, bảo vệ của công, thật sự cần kiệm liêm chính, không xâm phạm tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Tôn trọng, giữ gìn, bảo vệ của công là trách nhiệm lớn lao, là phẩm chất cao quý của mỗi cán bộ, đảng viên.

Nếu cậy mình có chút ít công lao đối với tập thể, đối với cách mạng, tự cho phép mình xà xẻo, sử dụng trái phép của công, là tự mình bôi nhọ thanh danh, uy tín của mình.

Đáng tiếc là đến nay, trong đội ngũ chúng ta vẫn có những cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ, đảng viên giữ những cương vị phụ trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, chưa nêu cao ý thức tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ của công, thậm chí còn có những hành vi tham ô, chiếm dụng của công. Lợi dụng cương vị, quyền hạn của mình, họ tìm mọi “mưu ma chước quỷ” để sử dụng nhập nhằng, bừa bãi của công, xoay xở, bòn vét của công, chiếm của công làm của riêng. Họ bày đặt ra lễ nghi này, thủ tục nọ để phô trương hình thức, chè chén, “liên hoan”, hoặc có khi “mượn gió bẻ măng” tạo cơ hội để “chấm mút” tiền của của nhân dân, của tập thể. Quen thân nhau, họ “móc ngoặc” trao đổi cho nhau hàng hóa, vật tư của Nhà nước, của tập thể theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” để “giúp” nhau thỏa mãn những yêu cầu riêng, lợi ích riêng. Họ ngấm ngầm hoặc công khai bớt xén nguyên liệu, của cải của Nhà nước, tuồn hàng hóa từ trong kho của Nhà nước, của tập thể ra ngoài, tiếp tay cho bọn buôn gian, bán lậu, làm ăn phi pháp. Họ đua nhau “vặt lông”, “làm thịt” những thứ hàng chiến lợi phẩm, chiếm làm của riêng những tài sản mà nhân dân và bộ đội ta phải đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu mới giành được. Có những người lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của Nhà nước, ăn cắp của công, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa một cách trắng trợn. Thôi thì “sống chết mặc bay”, miễn sao lợi dụng của công đắp điếm cho mình càng được nhiều càng tốt (!).

Đó là chưa kể một số người sống theo phương châm “của người bồ tát của ta lạt buộc”, thu vén các thứ cho riêng mình, nhưng thờ ơ, vô trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ tài sản chung, làm hư hỏng, mất mát, hoặc sử dụng một cách vô tội vạ tài sản chung, gây lãng phí rất nghiêm trọng.

Không nói chúng ta cũng biết, đó là những hành động mang nặng chủ nghĩa cá nhân, rất xấu, rất đáng chê trách. Ở những mức độ khác nhau, những hành động đó đều là xâm phạm đến thành quả lao động của nhân dân, là phung phí mồ hôi và cả xương máu của những người đã sản xuất ra và bảo vệ của cải vật chất của xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến bước phát triển của đất nước, đến việc cải thiện đời sống của nhân dân. Những hành động đó biểu hiện sự sa sút về mặt phẩm chất cách mạng, nêu gương xấu trước quần chúng, làm cho quần chúng chê trách, oán ghét.

Từ việc chỉ rõ những hành vi tham ô, chiếm dụng của công của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tác giả bài viết đã vạch rõ nguyên nhân: Có người do nhận thức mơ hồ, do thiếu tình cảm cách mạng trong sáng và sâu sắc đối với nhân dân, với Tổ quốc, nhưng có lẽ chủ yếu là do mắc vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Sống trong điều kiện mới, có chút ít quyền hành trong tay, họ sinh ra kiêu ngạo, xa xỉ, tham ô, lãng phí. Họ bị lối sống ích kỷ lôi kéo, trói buộc, thường chỉ nghĩ đến mình, chỉ vì mình, coi lợi ích của mình nặng hơn lợi ích chung. Đảng ta, nhân dân ta rất trân trọng và ghi nhận công lao, thành tích của họ, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi họ phải tiếp tục rèn luyện giữ vững phẩm chất cao quý của mình, nêu gương tốt trước quần chúng để bảo vệ uy tín của Đảng, củng cố mối liên hệ tốt đẹp giữa Đảng và quần chúng.

PGS, TS Lê Văn Cường

Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh