Hiện tại, Gemadept đang có tổng vốn đầu tư cần thiết là 175 triệu USD, tương đương hơn 3.800 tỷ đồng. Phải chăng động thái thoái vốn của Gemadept là do áp lực tài chính quá lớn đối với doanh nghiệp “tham” đầu tư ngoài ngành này?

Sẵn sàng nhượng các dự án “vàng”

Hiện nay, Gemadept hiện có 3 công trình, dự án bất động sản lớn, cụ thể: tòa cao ốc Gemadep Tower (số 6 Lê Thánh Tôn, TP.HCM), dự án Khu phức hợp Saigon Gem (khu đất giao đường Lê Lợi và 77-89B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM), dự án Tổ hợp khách sạn – Trung tâm thương mại tại Vientian (Lào).

Với cao ốc Gemadep Tower, năm 2014 Gemadept đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng 85% vốn góp tại Công ty TNHH cao ốc Hàng Hải (sở hữu tòa cao ốc) cho Tập đoàn CJ (Hàn Quốc). Giá trị phần vốn bán đi là 795,6 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Gemadept cho hay, thương vụ chuyển nhượng này đã đem về khoản lợi nhuận là 567 tỷ đồng. Hiện, Gemadept chỉ còn sở hữu 15% cổ phần tại Công ty TNHH cao ốc Hàng Hải, là khoản đầu tư dài có giá trị sổ sách 37,6 tỷ đồng. Nguồn thu từ khai thác tòa nhà này tính trên lợi ích kinh tế thuộc về Gemadept cũng sẽ bị giảm mạnh trong năm 2015.

Còn dự án Khu phức hợp Saigon Gem và tổ hợp khách sạn - trung tâm thương mại Vientian, Gemadept vẫn đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để sớm khởi công xây dựng. Đây sẽ là nguồn thu đột biến khi dự án hoàn thành.

Thế nhưng, ông Đỗ Văn Minh cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ chuyển nhượng lại dự án hoặc phương án hợp tác kinh doanh nếu “có đối tác nào đưa ra đề nghị hợp lý”.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 vừa qua, trước chất vấn của cổ đông về “mâu thuẫn” trong kế hoạch rút vốn khỏi bất động sản, lại tiếp tục đầu tư trồng rừng ở Lào, ông Chu Đức Khang, Thành viên HĐQT chỉ giải thích ngắn gọn: “Thời gian triển khai và đưa vào khai thác 2 dự án này cần được tính toán kỹ để đảm bảo hiệu quả đầu tư do đặc thù của lĩnh vực này”. Và song song với việc triển khai dự án thì công ty sẵn sàng chuyển nhượng khi có cơ hội phù hợp với mức lợi nhuận tốt.

Dù vậy, HĐQT đã xin cổ đông chấp thuận chủ trương thoái vốn ngoài ngành khỏi bất động sản và nông nghiệp và giao HĐQT chọn thời điểm thoái vốn thích hợp. Quan điểm của lãnh đạo Gemadept là muốn tập trung nguồn lực cho 2 mảng kinh doanh cốt lõi là cảng biển và logistics đang tăng trưởng rất tốt.

Thế nhưng, sự chậm trễ triển khai 2 dự án tiến độ “rùa” này khiến cổ đông nghi ngại về tiềm lực tài chính và hiệu quả đầu tư của dự án. Cũng có ý kiến lo ngại Gemadept có thể “sa lầy” vào lĩnh vực bất động sản, mà không có hiệu quả. Thậm chí đang đi vào “vết xe đổ” thua lỗ như đã từng đầu tư vào chứng khoán (2006-2007).

Công ty CP đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept) là một trong ba DNNN đầu tiên được cổ phần hóa. Năm 2002, sau khi nâng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng, công ty đã đăng ký niêm yết 12,7 triệu cổ phiếu GMD tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) với giá chào sàn 42.500 đồng/CP.

Giai đoạn 2006-2007, cổ phiếu GMD khi ấy đã làm nóng thị trường với mức giá kỷ lục đạt 208.000 đồng/CP vào ngày 5/2/2007.

Với kết quả tăng trưởng rất nhanh từ mảng khai thác cảng, vận tải biển, đại lý tàu... năm 2009, Gemadept đã khởi công xây dựng nhà ga hàng hóa hàng không Tân Sơn Nhất SCSC, hoàn thành năm 2010.

Cũng năm 2010, thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi, thưởng cổ phiếu, cổ tức... công ty đã tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng để phục vụ nhiều dự án lớn và mở rộng đầu tư ngoài ngành vào bất động sản, nông nghiệp, cao su... trong đó, công ty đã đầu tư dự án 30.000 ha cao su tại Lào với mức vốn 150 triệu USD.

Hiện, Gemadept có vốn điều lệ 1.161 tỷ đồng.

Gemadept đang "quá tải" áp lực về vốn?

Theo giới thiệu của Gemadept, công ty đã liên doanh với Saigon Tourist để đầu tư dự án Khu phức hợp Saigon Gem có quy mô 6ha, thiết kế cao 49 tầng. Tổng vốn đầu tư lên tới 140 triệu USD. Thời gian qua, Gemadept cũng đã xúc tiến tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, góp vốn đầu tư dự án.

Dự án tổ hợp tại Vientian cao 6 tầng và tổng mức đầu tư 35 triệu USD.

Như vậy, Gemadept sẽ cần tới 175 triệu USD, tương đương hơn 3.800 tỷ đồng phục vụ đầu tư riêng 2 dự án này.

Cả hai dự án này đã được khởi động từ năm 2010 nhưng đến nay, gần 5 năm trôi qua mà dự án vẫn chưa được… khởi công (!?)

Quyết định rút lui khỏi bất động sản phải chăng do khó khăn từ áp lực vay nợ lớn và chưa thu xếp được khoản vay mới cho nhu cầu vốn tới 175 triệu USD của 2 dự án nêu trên?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, tổng quy mô nợ phải trả của Gemadept lên tới 2.960,7 tỷ đồng, gồm 1.791 tỷ đồng nợ dài hạn và 1.169 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản lên tới 36,2%.

Một số cổ đông đã bày tỏ lo ngại khi công ty sử dụng “đòn bẩy tài chính” ở mức cao để đầu tư các dự án và yêu cầu phải giảm xuống. Song, lãnh đạo công ty lại cho rằng, mức “đòn bẩy tài chính” chỉ 30% và đây là mức không cao.

Để có nguồn vốn đầu tư, từ lâu Gemadept chủ yếu huy động vay nợ từ các công ty con, công ty liên kết, ngân hàng. Tổng dư nợ vay đến cuối năm 2014 là 1.887,5 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, máy móc, phương tiện vận tải, cổ phiếu ngân hàng thuộc sở hữu của Gemadept…

Đáng chú ý, công ty mẹ Gemadept hiện có khoản vay nợ dài hạn tới 40 triệu USD (năm 2012) tại Quỹ Vietnam Investmen Fund II để đầu tư các dự án: gồm cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng), dự án logistics, dự án trồng dừng và bất động sản tại Lào. Công ty đã thế chấp cho ngân hàng toàn bộ 99% cổ phần của công ty con, 1 tàu biển, sổ đỏ cùng các tài sản hình thành trong tương lai… Dự nợ đến cuối tháng 3/2015 còn 895 tỷ đồng.

Gemadept cũng dùng tài sản là quyền sử dụng khu đất làm dự án Saigon Gem để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn và khoảng 40 triệu USD này.

Có thể thấy, Gemadept đang chịu áp lực nợ vay rất lớn, phải cân đối nguồn tài chính trả nợ, vừa đảm bảo vốn kinh doanh, đầu tư. Những khó khăn tài chính, lĩnh vực đầu tư bất động sản đặc thù, thị trường diễn biến bất lợi… một lần nữa đã buộc Gemadept phải rút lui khỏi lĩnh vực ngoài ngành.

Trong khi, năm 2015, Gemadept đặt mục tiêu doanh thu 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 330 tỷ đồng. Nhưng, các dự án bất động sản lại chưa đóng góp đồng nào, trừ khi chuyển nhượng dự án./.

Hải Hà