Thị trường tiền tệ tuần 16 - 20/6: Tỷ giá vọt đỉnh, lãi suất qua đêm xuống đáy hơn 1 năm Thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm: Tín phiếu tái xuất khi tỷ giá đồng loạt đi lên, EUR tăng vọt 15% Giải mã diễn biến tỷ giá khác thường, VND đi ngược xu hướng dù USD suy yếu

Ngày 4/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng, lên mức kỷ lục mới 25.116 VND/USD, tăng 25 đồng so với phiên trước. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp và cũng là mức tăng cao nhất trong tuần.

Với biên độ giao dịch 5%, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết tỷ giá USD trong khoảng từ 23.860 - 26.372 VND/USD. Song song với đó, tỷ giá mua - bán tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng được điều chỉnh tăng, lên 23.911 - 26.321 VND/USD.

Tỷ giá trung tâm tăng 5 phiên, USD và EUR cùng bật tăng

Tại các ngân hàng thương mại, kết phiên 4/7, tỷ giá USD bán ra ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp, phản ánh lực cầu ngoại tệ duy trì ở mức cao và tâm lý kỳ vọng tỷ giá tiếp tục đi lên trong ngắn hạn.

Đơn cử, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.960 - 26.350 VND/USD, giảm 15 đồng chiều mua vào, song tăng 5 đồng chiều bán ra so với phiên trước. BIDV là 25.990 - 26.350 VND/USD, tăng 16 đồng chiều mua vào và 5 đồng chiều bán ra.

Tỷ giá trung tâm lên kỷ lục 25.116 VND/USD

Tuần qua từ ngày 30/6 - 4/7, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lên mức kỷ lục 25.116 VND/USD, ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Cùng với đó, tỷ giá USD tiếp tục tăng tại các ngân hàng thương mại. Trong khi USD, EUR bật tăng rõ nét, còn GBP giảm và JPY gần như đi ngang.

Tính chung tuần qua từ ngày 30/6 - 4/7, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng liên tiếp 5 phiên, với tổng mức tăng 64 đồng, tăng mạnh so với tuần trước (17 đồng). Diễn biến này cho thấy xu hướng điều chỉnh tỷ giá rõ rệt từ phía nhà điều hành.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng tốc theo đà tăng chung. Tại Vietcombank, tỷ giá USD niêm yết 25.960 - 26.350 VND/USD, tương ứng tăng 80 đồng hai chiều, đảo chiều so với mức giảm nhẹ 12 đồng của tuần trước. Tỷ giá USD tại BIDV cũng tăng 80 đồng cả hai chiều.

Trên thị trường tự do, tỷ giá USD cũng tăng mạnh, chốt tuần ở mức 26.420 - 26.520 VND/USD, tăng 50 đồng so với tuần trước.

Ngày 4/7, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục được điều chỉnh tăng
Thị trường tiền tệ tuần 30/6 - 4/7: Tỷ giá trung tâm lên đỉnh, lãi suất hạ áp nhờ bơm vốn mạnh. Ảnh: T.L.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY, đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt, tiếp đà giảm nhẹ 0,5% tuần qua, xuống còn 96,94 điểm, do lo ngại về thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ gia tăng và triển vọng không chắc chắn xung quanh các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu khi thời điểm ngày 9/7 đang đến gần.

Theo nhìn nhận của Trung tâm phân tích nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỷ giá VND/USD tiếp tục gặp áp lực bất chấp DXY hạ nhiệt, điều này có thể phần nào bởi áp lực từ nhu cầu USD thương mại và dòng vốn ngoại.

Với các ngoại tệ khác, tuần giao dịch kết thúc ngày 4/7 ghi nhận biến động trái chiều, với EUR bật tăng mạnh, trong khi GBP giảm sâu, còn JPY gần như đi ngang.

Đáng chú ý nhất là đồng Euro (EUR) tiếp tục bứt phá mạnh mẽ. Tại BIDV, tỷ giá EUR niêm yết ở mức 30.389 - 31.655 VND/EUR, tăng 295 đồng chiều mua và 313 đồng chiều bán ra chỉ trong 1 tuần. Vietcombank cũng ghi nhận mức tăng tương đương 272 đồng chiều mua và 287 đồng chiều bán, lên 30.036,65 - 31.651,28 VND/EUR. Ngược lại, bảng Anh (GBP) sụt giảm nhẹ, trong khi đó, JPY lại ổn định nhất trong tuần.

Lãi suất qua đêm tạm dịu sau cú bật tăng lên 6,45%/năm

Theo VPBankS, thời gian tới, dù sức mạnh đồng USD có xu hướng giảm nhiệt do từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối quý III/2025 và bất ổn thương mại, nhưng tỷ giá VND/USD vẫn sẽ gặp nhiều áp lực từ những biến động kinh tế - chính trị toàn cầu và những điều chỉnh liên tục trong chính sách thương mại quốc tế.

Chưa nguôi sức ép

"Ngân hàng Nhà nước dù áp dụng chính sách linh hoạt kết hợp can thiệp kịp thời qua các phiên bán ngoại tệ kỳ hạn để ổn định thị trường, nhưng nhu cầu nhập khẩu vào mùa cao điểm, cùng với dòng vốn FDI chưa thực sự vững chắc và nguy cơ suy yếu cán cân thương mại sẽ khiến VND khó tránh khỏi sức ép mất giá" - VPBankS nhận định.

Theo ông Trương Đắc Nguyên - Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Blue Horizon Financial, đồng VND liên tục mất giá đang tạo sức ép đáng kể lên các doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt khi xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong bối cảnh chờ đợi các chính sách thuế quan chính thức và thị trường quốc tế biến động khó lường, nhiều doanh nghiệp có tâm lý "găm USD", nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá tiếp tục leo thang hoặc đối mặt với những thay đổi bất ngờ về thuế.

Tuy nhiên, trong khi phần lớn đang chịu áp lực từ đà mất giá, một nhóm khác lại hưởng lợi rõ rệt, đó là lao động Việt Nam ở nước ngoài khi tỷ giá đồng Yên Nhật tăng tới 15% năm qua, đồng Won cũng tăng 5%.

Theo ông Nguyên, tỷ giá là câu chuyện hai mặt, đồng nội tệ mất giá ở mức hợp lý có thể gia tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, đặc biệt khi đang phải lo về cạnh tranh sau áp thêm thuế. Ở chiều ngược lại, giữ giá sẽ giúp ổn định vĩ mô. Vấn đề cốt lõi nằm ở việc xác định đúng mục tiêu, lựa chọn liều lượng phù hợp và triển khai vào thời điểm hợp lý.

Trong bối cảnh tỷ giá còn sức "căng" nhất định, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đưa lãi suất liên ngân hàng nằm trong vùng mục tiêu và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.

Ngày 4/7, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục được điều chỉnh tăng
Biến động lãi suất liên ngân hàng tháng qua. Ảnh: T.L.

Theo đó, tuần qua 30/6 - 4/7, lãi suất liên ngân hàng bớt nóng sau khi bật tăng mạnh ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, ngày 3/7, lãi suất qua đêm giảm mạnh 0,95%, còn 3,91%. Kỳ hạn 1 tuần cũng giảm 0,82%, xuống 4,03%; 2 tuần là 4,19%, giảm 0,89%. Lãi suất 1 tháng giảm sâu nhất 1,1% chỉ còn 3,82%; 3 tháng xuống 4,5%, giảm 0,5%.

Trước đó, trong phiên đầu tuần ngày 30/6, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng vọt các kỳ hạn, trong đó, lãi suất qua đêm tăng sốc 6,45%/năm, gấp gần 4 lần so với mức đáy trước đó (1,62%), đánh dấu mức tăng mạnh và đột ngột nhất kể từ đầu năm đến nay. Cũng trong phiên hôm đó, Ngân hàng Nhà nước bơm tiền quy mô lớn ra thị trường 52.904,4 tỷ đồng, nhằm giải tỏa áp lực thiếu hụt vốn ngắn hạn những ngày cuối quý II.

Trên thị trường mở tuần qua từ ngày 30/6 - 4/7, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu các kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và 91 ngày, lãi suất 4%. Có 62.424,19 tỷ đồng trúng thầu; có 58.132,86 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, có 17.400 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 3,5%. Có 22.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn tuần qua.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 9.391,33 tỷ đồng qua kênh thị trường mở. Có 94.609,61 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 17.400 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành trên thị trường./.