Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có sản lượng điện mặt trời cao nhất thế giới Gia Lai: Lãng phí lớn từ các dự án điện gió do chậm định giá bán điện Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời

Làm rõ trách nhiệm, rút ra bài học cho phát triển năng lượng giai đoạn tới

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, thành viên Đoàn giám sát, mục đích của Đoàn giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Từ đó, phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập; kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Đồng thời, rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.

Tạ Đình Thi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi
Nội dung giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, bao gồm: Cung cầu và an ninh năng lượng; Quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng; Bảo vệ môi trường, giảm phát thải; Khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và một số nội dung khác, như vấn đề hợp tác quốc tế; xã hội; quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; một số dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.

Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan).

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian giám sát từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2021, trong đó lưu ý đến những nội dung có tính kế thừa, liên quan trong giai đoạn trước hoặc sau khung thời gian nêu trên….

Thiếu cơ chế chuyển tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo

Góp ý cho Đoàn giám sát, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị bổ sung vào Đề cương báo cáo giám sát về đánh giá các văn bản, vướng mắc trong việc thực hiện phát triển năng lượng; bổ sung nội dung về các giải pháp bảo vệ môi trường khi các nhà máy năng lượng dừng hoạt động. Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị bổ sung vào Đề cương báo cáo giám sát về công tác chỉ đạo việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển đối với các tập đoàn, tổng công ty trong ngành năng lượng.

Toàn cảnh
Toàn cảnh phiên họp

Cho rằng đây chuyên đề giám sát rộng, nhưng trong nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát tập trung nhiều về ngành điện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị đối với ngành điện chỉ nên tập trung vào một số vấn đề giám sát đang được dư luận rất quan tâm. Ví dụ năng lượng tái tạo phát triển vượt công suất trong Quy hoạch điện 7; tình trạng đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời, điện gió dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia. Hiện cũng thiếu cơ chế chuyển tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo, nên điện sản xuất ra không bán được, không tiêu thụ được. Câu chuyện này cần được làm rõ khi thực hiện giám sát.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, điện - than - dầu phải gắn kết với nhau trong quy hoạch năng lượng chung, nhưng khi xây dựng quy hoạch thì lại tập trung vào một số quy hoạch mang tính ngắn hạn, còn quy hoạch tổng thể dài hạn cả ngành năng lượng thế nào không rõ.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng cho rằng, vấn đề năng lượng rất rộng, đề nghị chuyên đề giám sát nên tập trung vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có giá năng lượng - đây là vấn đề có tính nền tảng và được xã hội, nhân dân rất quan tâm. Việc giám sát cũng cần tập trung vào trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển các năng lượng tái tạo, năng lượng mới và gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững và các cam kết trung hòa phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, mục tiêu cuối cùng của giám sát của Quốc hội là gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Việc giám sát cần xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, có xảy ra tình trạng thiếu điện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào. Giám sát tập trung vào vấn đề chuyển đổi năng lượng, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điện, trong đó quy hoạch điện 7 điều chỉnh, quy hoạch điện 8…

Bên cạnh đó, tập trung giám sát các chính sách phát triển năng lượng, chính sách tiết kiệm năng lượng, các chính sách liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư, chính sách liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực, việc thu hút FDI, các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, …

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý hoạt động giám sát cần tránh chồng chéo, trùng lặp. Đoàn giám sát cần khai thác kết quả của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán, kết quả giám sát của Ban Kinh tế Trung ương và những chuyên đề giám sát trước đây mà Ủy ban Kinh tế đã triển khai…, sử dụng kết quả đã có phân tích, đánh giá để đạt được mục tiêu của cuộc giám sát này.