Gia Lai: Lãng phí lớn từ các dự án điện gió do chậm định giá bán điện
Cánh đồng điện gió "ba trong một" vừa sản xuất điện, vừa canh tác vừa làm điểm du lịch tại Gia Lai. Ảnh: Gia Cư

Kỳ vọng tăng thu ngân sách

Đầu tháng 7/2022, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và Bộ Công thương đề xuất tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc liên quan đến tình hình phát triển, vận hành các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2021, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, tỉnh Gia Lai đã triển khai đầu tư xây dựng 17 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 50.500 tỷ đồng.

Theo đó, vào thời điểm này, có 7 dự án điện gió đã được công nhận vận hành thương mại toàn nhà máy với công suất 446,2 MW; 4 dự án điện gió đã được công nhận vận hành thương mại một phần với công suất 117,2 MW, chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại với công suất 287,8 MW; 5 dự án điện gió đã triển khai thi công, đến nay đã cơ bản hoàn thành, nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại với công suất 341,2 MW; 1 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với công suất 50 MW.

Theo đánh giá của Sở Công thương, các dự án điện gió được đầu tư và đưa vào vận hành ổn định trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, phát huy nguồn lực đất đai. Đồng thời, các dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư của các chủ đầu tư, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và dân cư khu vực dự án.

Từ đó, các dự án góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương…

Gia Lai: Lãng phí lớn từ các dự án điện gió do chậm định giá bán điện
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các bên liên quan tổ chức lễ khởi công dự án điện gió tại huyện Chư Prông. Ảnh: Gia Cư

Đánh giá về tiềm năng, lợi thế cũng như hiệu quả thu hút đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên địa bàn thời gian qua, các chuyên gia, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng xem đây là bước đi “đột phá” trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của địa phương.

Theo đó, mỗi năm ước tăng thu ngân sách từ các dự án năng lượng tái tạo, điện gió về cho tỉnh hàng nghìn tỷ đồng, góp phần giảm phụ thuộc vào ngân sách trung ương dành cho tái đầu tư phát triển.

Lãng phí lớn do chậm quy định giá bán điện

Lãnh đạo Sở Công thương Gia Lai cho biết, do chưa có giá bán điện cụ thể cho các dự án điện gió hoàn thành sau ngày 31/10/2021 (bao gồm cả các dự án đã vận hành một phần và dự án chưa vận hành), nên đến nay trên địa bàn tỉnh có 629 MW điện gió dù đã được thi công xây dựng hoàn thành, nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

Điều này đã làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án, gây lãng phí đầu tư xã hội với tổng vốn đầu tư khoảng 25.500 tỷ đồng, cũng như sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia trong 6 tháng với khoảng 4,5 tỷ kWh (nếu tính theo giá bán điện tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thì doanh thu bán điện khoảng 8.676 tỷ đồng).

Với những bất cập, lãng phí được chỉ ra, Sở Công thương tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương sớm ban hành giá bán điện cho các dự án điện gió hoàn thành sau ngày 31/10/2021. Đồng thời, trong thời gian giá bán điện chưa được ban hành, tỉnh kiến nghị cho phép được đấu nối phát điện lên lưới điện quốc gia và ghi nhận sản lượng điện phát được. Sau khi giá bán điện được ban hành thì mới tính toán và hoàn trả tiền bán điện cho các chủ đầu tư dự án điện gió.

Gia Lai: Lãng phí lớn từ các dự án điện gió do chậm định giá bán điện
Thi công trụ quạt gió tại huyện Đak Đoa, Gia Lai. Ảnh: CTV

Ông Hồ Phước Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, liên quan đến nội dung này, mới đây tại buổi làm việc với đoàn giám sát Quốc hội tại Gia Lai, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đã cùng đoàn giám sát đến tận nơi, tìm hiểu kỹ vấn đề tại các dự án điện gió đã và đang hoàn thiện, cũng như đã vận hành để có đánh giá cụ thể, khách quan.

Theo ông Thành, hầu hết các dự án điện gió trên địa bàn đều nằm trong quy hoạch tổng thể trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ và Bộ Công thương trên cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng. Đối với một vài dự án, việc chậm hoàn thiện hồ sơ vài ngày hay khoảng 1 tháng sau ngày 31/10/2021, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Công thương đều đã hoàn thiện ngay sau đó.

"Việc chưa có mức giá quy định cụ thể cho các dự án đã hoàn thành từ thời điểm 31/10/2021 đến nay đang làm cho các chủ đầu tư hết sức khó khăn khi đã phải huy động nguồn vốn rất lớn, chịu lãi vay ngân hàng thời gian dài mà không có nguồn thu từ bán điện. Điều này còn gây lãng phí rất lớn nguồn lực đầu tư xã hội không riêng ở Gia Lai” - ông Thành bày tỏ.

Ông Thành cũng cho biết, UBND tỉnh đã kiến nghị đoàn giám sát Quốc hội sớm tiếp thu, tổng hợp đề xuất Chính phủ, Bộ Công thương sớm có quy định mức giá bán điện cụ thể cho các dự án điện gió (đã vận hành một phần và dự án chưa vận hành).

“Trong thời gian giá bán điện chưa được ban hành, cho phép được đấu nối phát điện lên lưới điện quốc gia và ghi nhận sản lượng điện đã phát được sau đó để trả tiền cho nhà đầu tư sẽ rất hợp lý và hài hòa lợi ích hơn” - ông Thành nói.

Chậm có mức giá quy định cụ thể cho các dự án đã gây lãng phí lớn

"Việc chưa có mức giá quy định cụ thể cho các dự án đã hoàn thành từ thời điểm 31/10/2021 đến nay đang làm cho các chủ đầu tư hết sức khó khăn khi đã phải huy động nguồn vốn rất lớn, chịu lãi vay ngân hàng thời gian dài mà không có nguồn thu từ bán điện. Điều này còn gây lãng phí rất lớn nguồn lực đầu tư xã hội không riêng ở Gia Lai" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành.