Còn những “khoảng trống” trong Luật

Tại hội nghị được tổ chức ngày 11/12/2015, ông Nguyễn Quốc Oai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, sau 12 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, một số quy định của Luật Thủy sản đã không còn phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi cần bổ sung quy định để phù hợp với sự phát triển của ngành và tương đồng với các Luật mới được ban hành trong thời gian gần đây.

Đơn cử như trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Điều 23 của Luật Thủy sản quy định rõ việc quy hoạch phát triển NTTS, tuy nhiên vấn đề quy hoạch còn triển khai chậm. Mặc dù đã có quy hoạch tổng thể nhưng nhiều địa phương chưa xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh. Có tỉnh có quy hoạch song thiếu tính khả thi trên thực tiễn. Vì thế, cần viết lại vấn đề quy hoạch trong NTTS của Luật Thủy sản năm 2003.

Bên cạnh đó, trong Luật Thủy sản có 7/10 Chương, 27/62 Điều có quy định liên quan đến tàu cá và hoạt động của tàu cá, trong đó có quy định sự phân cấp và tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá. Tuy nhiên, khi triển khai gặp không ít khó khăn vì nhiều địa phương đến nay chưa có đủ điều kiện để tổ chức thực hiện việc phân cấp này.

Không những vậy, công tác đăng kiểm tàu cá vẫn mang tính hình thức, chưa đảm bảo chất lượng như mong đợi của người dân và cơ quan quản lý do nhà nước đầu tư kinh phí chưa thỏa đáng cho công tác đăng kiểm tàu cá.

Để tránh tình trạng chồng chéo trong thực thi luật, ông Nguyễn Quốc Oai cũng chia sẻ thêm, “những quy định về khen thưởng, xử lý khiếu nại, tố cáo cần bãi bỏ vì đã được quy định đầy đủ cụ thể trong luật chuyên ngành về các lĩnh vực này”.

Cùng với đó, nhiều địa phương cho rằng, việc ban hành các quy định, hướng dẫn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực thủy sản còn chậm…, chưa phù hợp với thực tiễn.

Hội nghị
Bộ NN&PTNT họp bàn đánh giá 12 thực hiện Luật Thủy sản năm 2003. Ảnh: HH

Sửa đổi để đáp ứng yêu cầu hội nhập

Trước những bất cập trên, các đại biểu thống nhất, cần sửa đổi lại Luật Thủy sản năm 2003 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành trung ương Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần viết lại Luật Thủy sản, phải “soi” lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2012 đến nay để sửa đổi, bổ sung cho thích hợp với các Luật mới. Trong đó, cần sửa đổi quy định đầu vào trong NTTS đảm bảo tính phù hợp với Luật Đầu tư và quản lý nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị.

Đồng ý với những đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, "Luật Thủy sản 2003 thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, thời gian tới cần sửa đổi trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa nội dung phù hợp với Luật Thủy sản 2003; quy định những nội dung chưa được, điều chỉnh hay quy định chưa rõ, không phù hợp hoặc còn thiếu; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiến và xu thế phát triển, hội nhập của ngành Thủy sản".

Bộ trưởng cũng đề nghị: “Bộ Tư pháp xem xét, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa Luật Thủy sản sửa đổi vào chương trình chính thức xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2017. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các ban ngành, địa phương trong quá trình sửa đổi luật để phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa các luật Việt Nam và quốc tế”.

Bộ trưởng đơn cử, cần quy định về việc thừa nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn trong NTTS, chế biến thủy sản và đăng kiểm tàu cá, tạo điều kện thuận lợi cho doanh nghiệp khi Việt Nam gia nhập các Điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này; quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thủy sản nhằm đảm bảo tính phù hợp với quy định của một số quốc gia nhập khẩu hàng hóa thủy sản trong thời gian gần đây…

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Oai cũng đề xuất Bộ NN&PTNT bố trí nguồn tài chính theo quy định để thực hiện sửa đổi Luật Thủy sản, đảm bảo tính phù hợp và tương thích với pháp luật quốc tế./.

Diệu Hoa