Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo các chuyên gia trong ngành, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm từ 28% - 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, xuất khẩu vào một số thị trường “ruột” bị suy giảm. Điển hình là thị trường Hoa Kỳ, từ đầu năm đến nay, hầu hết mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đều ghi nhận mức giảm mạnh.

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ trong tháng 4/2023 đạt 633,5 triệu USD, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường tiềm năng này chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ. Trong đó đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm…

Doanh nghiệp gỗ nỗ lực tìm giải pháp “phục hồi phong độ” tại thị trường Hoa Kỳ
Mỹ là thị trường chủ đạo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ảnh: TL

Bàn về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, do lạm phát ở Hoa Kỳ vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng đã tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ, khiến sức cầu yếu dẫn đến nhập khẩu giảm mạnh. Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với ngành hàng này.

Trong khi đó, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ.

Mặt khác, cho đến nay, gỗ Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ còn đối mặt với rất nhiều vụ kiện, điều tra về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp. Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có thông báo tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, kết luận cuối cùng về phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 17/8/2023. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), từ tháng 4/2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.

Tìm giải pháp “phục hồi phong độ”

Theo các chuyên gia nhận định, động thái tăng lãi suất của Fed, cùng với tình trạng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường của người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ vẫn còn tiếp diễn, đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập khẩu gỗ của thị trường này còn sụt giảm trong thời gian tới.

Đối lập với Hoa Kỳ, Ấn Độ là một trong những thị trường nhập khẩu gỗ Việt có sự tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ván sợi sang thị trường này đạt 21,19 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (7,6 triệu USD). Được biết, ván sợi hiện chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ. Ngoài ra, xuất khẩu ván bóc sang Ấn Độ cũng tăng mạnh từ 284,5 ngàn USD trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 3,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2023.

Tình thế đó đòi hỏi doanh nghiệp gỗ phải linh hoạt chuyển đổi để vượt khó và giữ vững “phong độ” thị phần tại thị trường truyền thống này. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, doanh nghiệp gỗ cần linh hoạt thích ứng tốt với xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ thông qua việc cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu, phải đạt chất lượng theo yêu cầu; quan trọng hơn nữa là cắt giảm giá thành và có chính sách hậu mãi tốt để nâng sức cạnh tranh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Tổng Giám đốc CTCP gỗ Việt Âu Mỹ chia sẻ, để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ trong việc tiếp cận nguồn vốn với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần các cơ quan chức năng hỗ trợ trong công tác mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp thông tin thị trường về sản phẩm, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và các chính sách, quy định về chất lượng, mẫu mã, tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ nhập khẩu, tham gia tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế, khu vực.

Doanh nghiệp gỗ nỗ lực “phục hồi phong độ” tại thị trường Hoa Kỳ
Doanh nghiệp gỗ mong tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Ảnh: TL

Còn theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, bối cảnh thách thức này cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong ngành thực hiện tái cấu trúc, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, tổ chức lại sản xuất một cách hiện đại hơn bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ và gia tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm…

Được biết, Việt Nam là "trung tâm chế biến gỗ của châu Á", song nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm nước ta phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài./.