Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, từ ngày 1/7, TP.HCM chính thức vận hành chính quyền hai cấp, hợp nhất không gian phát triển của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Đây là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển đô thị của Việt Nam, mở ra cơ hội hình thành siêu đô thị hiện đại, đáng sống, trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo tầm khu vực và thế giới" - ông Toan khẳng định.
Hướng tới siêu đô thị vươn tầm khu vực
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, sau hợp nhất, TP.HCM mới với quy mô kinh tế đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm gần 25% GDP cả nước, tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế và đang trên hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành siêu đô thị thu hút nhân tài, cộng đồng doanh nhân, cùng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển các xu hướng kinh tế mới.
Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản cho rằng, trong bối cảnh mặt bằng giá bất động sản tại Hà Nội và các thị trường trọng điểm khác đang neo ở mức cao, khiến biên lợi nhuận thu hẹp thì thị trường bất động sản TP.HCM, đặc biệt là trục Đông Bắc lại đang ở giai đoạn khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới, hấp dẫn hơn, thông minh hơn và bền vững hơn.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo "Bất động sản siêu đô thị TP.HCM: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội". Ảnh: T.L. |
Khu Đông Bắc TP.HCM sẽ “bật mạnh” sau sáp nhập "Quy mô GRDP TP.HCM sau sáp nhập đóng góp khoảng 1/4 GDP, 1/3 tổng thu ngân sách và hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tuy nhiên, thị trường sẽ được hưởng lợi nhưng có sự phân hoá theo khu vực. Trong đó, những khu vực có nền tảng tốt về hạ tầng, kinh tế như khu Đông Bắc TP.HCM sẽ hưởng lợi đầu tiên và "sức bật" lớn nhất" - TS. Nguyễn Văn Đính đánh giá. |
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, sau sáp nhập, sẽ có nhiều dự án mới, quy mô chất lượng được hình thành, nhu cầu thị trường sẽ được định hình lại và tăng trưởng mạnh.
Ông Đính nhận định, tại khu vực Đông Bắc TP.HCM giá bán các căn hộ chung cư mở bán mới trung bình 40 - 50 triệu, dù tăng 20 - 30% so với trước, nhưng thấp hơn đáng kể so với những dự án có tiêu chuẩn tương tự tại phường Thủ Đức, TP.HCM hay khu vực Bình Dương cũ, giá có thể lên tới 80 triệu đồng/m2, thậm chí 100 - 200 triệu đồng/m2 và hạ tầng sẽ còn được cải thiện, không gian sống hấp dẫn hơn.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhấn mạnh, hiện không thể viện dẫn lý do thiếu đất để kìm hãm không gian phát triển của TP.HCM, bởi hiện thành phố sở hữu lợi thế vượt trội về quy mô, với diện tích chiếm 2% lãnh thổ, tập trung tới 13,5% dân số cả nước.
So với 6 thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM dẫn đầu với quy mô kinh tế đạt 2,7 triệu tỷ đồng, gần gấp đôi Hà Nội và gấp 10 lần Đà Nẵng. Nhóm 6 địa phương này hiện chiếm khoảng 47% GDP cả nước sau điều chỉnh địa giới hành chính. Do đó, nếu Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao, rõ ràng cần tập trung thúc đẩy phát triển mạnh mẽ tại các đô thị động lực này, đặc biệt là TP.HCM.
Kinh nghiệm phát triển các siêu đô thị lớn đưa TP.HCM bứt phá
So sánh kinh nghiệm phát triển từ các siêu đô thị lớn trên thế giới, TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ 5 yếu tố giúp TP.HCM thành công. Theo đó, thành phố cần phân tán chức năng đô thị để giảm tải áp lực lên khu vực lõi trung tâm, đồng thời hình thành các cực phát triển mới.
Định hướng đặc khu kinh tế cho TP.HCM Theo TS. Cấn Văn Lực, TP.HCM cần hướng đến mô hình phát triển kinh tế theo hướng đặc khu kinh tế, tương tự như Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc), với định hướng chuyên biệt: tài chính, logistics như Thượng Hải; công nghệ cao như Thâm Quyến; hoặc logistics, du lịch, giải trí như Mumbai (Ấn Độ). "Dù vậy, cần tránh lặp lại tình trạng bất cập trong phát triển đô thị như tình trạng bất bình đẳng đô thị, ổ chuột như Mumbai, chênh lệch giàu nghèo như Seoul" - ông Lực lưu ý. |
Cùng với đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường liên kết nội vùng, trong nước và quốc tế.
"TP.HCM dứt khoát phải là anh cả, đầu tàu, cực liên kết với Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, kể cả Tây Nguyên" - TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý đô thị, hướng tới xây dựng mô hình thành phố thông minh.
Ngoài ra, hướng đến phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai, thông qua việc gia tăng diện tích không gian xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
Về bối cảnh quốc tế, vị chuyên gia này cho rằng, dù chính sách thuế tại nhiều quốc gia đang trở nên phức tạp hơn, Việt Nam lại đang nắm bắt được một cơ hội hiếm có, chưa từng có tiền lệ, nhờ những cải cách mạnh mẽ. Khi gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nghiệp đều nói đây là cơ hội lớn cho cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
![]() |
Các đại biểu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giúp phát triển siêu đô thị lớn tại TP.HCM. Ảnh: T.L. |
Ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Kinh doanh Big Four, Giám đốc Dự án La Pura nhận định, khi tuyến metro số 1 chính thức đi vào vận hành, mặt bằng giá bất động sản khu vực lân cận đã có bước nhảy vọt, với mức tăng gấp 2 - 3 lần nhờ khả năng kết nối giao thông vượt trội. Những dự án nằm gần tuyến đường sắt đô thị sẽ được hưởng lợi trực tiếp về giá trị.
Theo ông Tuấn, việc mở rộng Quốc lộ 13 cùng với tiến độ hoàn thành các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 và metro số 2 kết nối TP.HCM - Bình Dương đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho xu hướng dịch chuyển nhu cầu nhà ở về khu Đông Bắc TP.HCM. Dự kiến trong năm 2025, khu vực này sẽ đón nhận khoảng 13.000 - 15.000 căn hộ mới, tăng trưởng mạnh mẽ.
Các dự án đô thị chú trọng không gian sống xanh, định hướng phát triển theo mô hình đô thị sống xanh, thành phố dưỡng lành, với mức giá từ 40 - 50 triệu đồng/m2, sở hữu hệ sinh thái tiện ích hoàn chỉnh đang trở thành tâm điểm thu hút người mua ở thực lẫn nhà đầu tư dài hạn./.