dự án

Nhiều địa phương cần nguồn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: TL.

Quốc hội sẽ quyết định tỷ lệ cụ thể

Theo Bộ Tài chính, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống dữ liệu đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các nhà máy mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN.

Đồng thời, dự toán phải tính trên cơ sở các quy định điều chỉnh chính sách theo lộ trình tiếp tục ảnh hưởng tới số thu NSNN năm 2022 và các quy định dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung, áp dụng trong năm 2022 (bao gồm cả thay đổi trong việc phân bổ nghĩa vụ thuế quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14).

Theo dự thảo thông tư, trong xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022, tạm tính phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP). Tỷ lệ cụ thể Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chính thức sau.

Cụ thể như sau: Về số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: tính 37,2% số thu là khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP; 62,8% số thu điều tiết 100% về NSTW.

Về số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản, đối với trường hợp giấy phép khai thác do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho NSTW, 30% cho NSĐP; trường hợp giấy phép khai thác do UBND cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% cho NSĐP.

Dự toán toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (bao gồm cả nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan); thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp hiện do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (nếu có) được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính lưu ý, việc xây dựng dự toán thu phải gắn với việc tăng cường quản lý thu, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra, giám sát hoàn thuế giá trị gia tăng, chống thất thu đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các nguồn thu từ đôn đốc thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, Thanh tra Chính phủ.

Tỷ lệ được điều chỉnh trong các thời kỳ ổn định ngân sách khác nhau

Luật NSNN 2002 và Luật NSNN 2015 đều khẳng định NSTW giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và hỗ trợ các địa phương. Việc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi như vậy phù hợp với nguyên tắc chung trong quản lý NSNN là quản lý thống nhất, tập trung dân chủ.

Theo Luật NSNN 2015, các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP gồm 5 khoản thu chính: thuế giá trị gia tăng, trừ thuế giá trị gia tăng thu từ hàng hóa nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí; thuế thu nhập cá nhân; thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường, trừ thuế bảo vệ môi trường từ hàng hóa nhập khẩu.

Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được điều chỉnh trong các thời kỳ ổn định ngân sách khác nhau. Trường hợp đặc biệt phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thời kỳ ổn định ngân sách 2016 – 2020, tỷ lệ phân chia giữa NSTW và NSĐP có sự điều chỉnh thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ điều tiết cho NSTW, đồng nghĩa với giảm tỷ lệ phân chia cho NSĐP so với thời kỳ ổn định ngân sách 2011 – 2015. Quốc hội điều chỉnh giảm tỷ lệ phân bổ cho NSĐP các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP đối với hầu hết các tỉnh, thành phố có nguồn thu NSNN lớn, trong đó có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đây là vấn đề được rất nhiều địa phương quan tâm. Thời gian qua, nhiều địa phương đã kiến nghị được giữ lại tỷ lệ ngân sách cao hơn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật NSNN, đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP đối với từng địa phương được căn cứ vào dự toán thu NSNN và dự toán chi ngân sách địa phương.

Theo Bộ Tài chính, Luật NSNN quy định: đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP đối với từng địa phương được căn cứ vào dự toán thu ngân sách nhà nước và dự toán chi ngân sách địa phương. Tỷ lệ này được tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ (chi đầu tư, chi thường xuyên) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 122/2020/QH14 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã quy định rõ: kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021. Lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021 để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Như vậy, năm ngân sách 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới; căn cứ dự toán thu ngân sách xây dựng trên cơ sở pháp luật thuế, phí và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của địa phương và dự toán chi ngân sách của địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ. Trong đó, chi đầu tư theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chi thường xuyên do Bộ Tài chính chủ trì để trình cấp có thẩm quyền.

Để xác định tỷ lệ các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN./.

Minh Anh