Đang triển khai 4 mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp

Chủ trương xã hội hoá giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã mở rộng các chủ thể tham gia vào giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đây là một giải pháp mang tính đột phá nhằm đảm bảo đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Hoạt động thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Trong một hội thảo gần đây về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp” - ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), cho biết năm 2021, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng các hoạt động đào tạo vẫn duy trì thực hiện, nhằm cung ứng nguồn nhân lực lao động cho các doanh nghiệp và thị trường lao động, góp phần làm giảm nguy cơ thiếu hụt nhân lực lao động khi các hoạt đông sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Trong bối cảnh việc tổ chức đào tạo, nhất là đào tạo thực hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vai trò của doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ tổ chức đào tạo, tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập càng trở nên hết sức quan trọng. Việc này đồng thời cũng tạo ra một lực lượng lao động cho doanh nghiệp khi thị trường lao động đang chịu nhiều biến động do làn sóng dịch chuyển lao động do dịch bệnh.

Theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng. Doanh nghiệp có quyền, trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo.

Bà Lan Anh nhấn mạnh, nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi. Vì vậy, tổ chức đại diện người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và của người lao động, cũng như của người sử dụng lao động.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai 4 mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp. Cụ thể là: kèm cặp qua công việc tại vị trí việc làm cụ thể, học nghề, tập nghề tại vị trí việc làm cụ thể, đào tạo nhân viên mới do nhóm lãnh đạo thực hiện; kèm cặp qua công việc luân chuyển trong hệ thống đào tạo của doanh nghiệp; học nghề, tập nghề luân chuyển trong hệ thống đào tạo nội bộ của doanh nghiệp; đào tạo thực tập sinh tại doanh nghiệp, đào tạo nhân viên mới tại cơ sở doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Các mô hình này được đánh giá là đã đem lại những kết quả tích cực trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời cung ứng lao động tay nghề cao cho các doanh nghiệp.

Thúc đẩy gắn kết nhà trường và doanh nghiệp

Bà Trần Thị Lan Anh cũng chỉ ra thực trạng của việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay như: thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, xây dựng đội ngũ đào tạo viên nội bộ và chế độ khuyến khích người dạy của doanh nghiệp; phát triển chương trình đào tạo; thực hiện hợp đồng theo Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục nghề nghiệp còn gặp khó khăn; bồi hoàn các chi phí đào tạo của doanh nghiệp theo chính sách pháp luật cũng như tiếp cận gói hỗ trợ đào tạo còn chưa hiệu quả.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại diện VCCI cho rằng, cần phải phát triển chương trình đào tạo bằng cách lựa chọn mô hình thông minh. Theo đó, xu hướng rút ngắn thời gian đào tạo, cải tiến chia nhỏ công việc để đào tạo theo công đoạn hoàn chỉnh, giúp người lao động trong thời gian ngắn có thể thực hiện được sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng có thu nhập. Do đó, cần rút ngắn và chia nhỏ thời gian đào tạo để người lao động có thể sớm được làm việc trên công việc thực tế, đồng thời phải có thu nhập ngay cho người lao động khi đào tạo.

Bà Trần Thị Lan Anh cho biết, với chính sách ưu đãi và khả năng tiếp cận gói hỗ trợ đào tạo, các doanh nghiệp đang khó tiếp cận với các gói ưu đãi, xác định chi phí vì phải chứng minh bằng hóa đơn chứng từ hợp lệ như chi phí máy móc, nguyên vật liệu phục vụ đào tạo, giảng viên giáo viên trong doanh nghiệp… Vì vậy, việc tiếp cận các gói hỗ trợ và chính sách ưu đãi này cần được cải thiện trong thời gian tới.

Bà cũng khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện chính sách về hỗ trợ người lao động học nghề và thúc đẩy gắn kết nhà trường và doanh nghiệp; tạo điều kiện thành lập trung tâm đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các tập đoàn. Đồng thời, cần tăng cường năng lực chuyên môn cho các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải cải tiến và cập nhật thường xuyên chương trình đào tạo trong trường. Điều quan trọng là phải lựa chọn quy mô phù hợp và nội dung thông minh.

Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Hùng cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động hợp tác doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề. Trong đó, đơn vị này đã ban hành Quyết định số 164/QĐ – TCGDNN ngày 5/4/2021 về Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; kiến nghị Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo; mở rộng danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ nghề kỹ năng quốc gia.

Bên cạnh đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định của pháp luật về thuế…/.