Gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp
Các đại biểu gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Băng Tâm

Đây là dịp để nhà quản lý lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất các chính sách hỗ trợ để cơ quan quản lý thành phố đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển sản xuất.

Một nội dung quan trọng khác là tiếp thu đề xuất của các doanh nghiệp về định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời gian tới.

Ông Phạm Thanh Trực - Phó Ban quản lý Hepza, cho biết trước đó ban quản lý đã khảo sát thông tin và nhận được phản hồi của các doanh nghiệp, các kiến nghị tập trung vào các vấn đề. Cụ thể như: Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực. Chất lượng lao động còn hạn chế và khó tuyển dụng lao động có tay nghề. Tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân. Vấn đề duy tu, sửa chữa cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu chế xuất (KCX) khu công nghiệp (KCN). Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các KCX, KCN; hướng dẫn các quy định về thủ tục bổ sung mục tiêu của dự án đầu tư, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Đồng thời, kiến nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động sau đại dịch Covid-19 nhằm tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay TP. Hồ Chí Minh đã phát triển 17 KCX, KCN; thu hút được trên 12 tỷ USD vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 276.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 8 tỷ USD, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của thành phố (trừ dầu thô). Các doanh nghiệp trong các KCX, kKCN đóng góp ngân sách hàng năm gần 50.000 tỷ đồng, góp phần tích cực trong phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Tuy nhiên, việc phát triển KCX, KCN thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Những khó khăn, tồn tại trong sản xuất kinh doanh vẫn còn, chuyển đổi kinh tế theo hướng chất lượng cao với nâng cao hiệu quả còn hạn chế, các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cho người lao động thực hiện còn chậm, công tác bảo vệ môi trường ở một số doanh nghiệp còn thực hiện chưa nghiêm túc. Điều đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các KCX, KCN.

Trước bối cảnh đó, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án "Định hướng phát triển các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040". Quá trình chuyển đổi theo định hướng mới có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp hiện hữu. Do vậy, chính quyền thành phố đã và đang tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại lắng nghe phản hồi của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư an tâm.

Đại diện lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh co rằng, một số KCX, KCN đã hoạt động hơn một nửa chu kỳ. Do đó, trong thời gian hoạt động còn lại, KCX, KCN cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình các KCX, KCN này cho phù hợp.