Thâm nhập nhiều thị trường khó tính bậc nhất

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 2/2023, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460 nghìn tấn, xoài 350 nghìn tấn, sầu riêng 300 nghìn tấn, thanh long 250 nghìn tấn, vải thiều 330 nghìn tấn, dứa 217 nghìn tấn, nhãn 110 nghìn tấn, cam 180 nghìn tấn... Dự báo, trong quý 3-4/2023 sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ... Như vậy, có thể thấy, nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Ghi dấu thương hiệu Việt Nam trên
4 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu trái sầu riêng tăng rất mạnh, đạt 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: TL
Trung Quốc trở thành bệ đỡ giúp hoạt động xuất khẩu trái cây tăng trưởng đến 20% doanh số trong 4 tháng đầu năm 2023. Hiện, Việt Nam có thêm 47 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy, đến nay, nước ta đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Công thương, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu các loại quả đạt 377,4 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo Bộ Công thương, đến nay, nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam như: Sầu riêng, vải thiều, xoài, thanh long, nhãn… đã có chỗ đứng tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Điển hình như thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hà Lan, New Zealand, Singapore…với kim ngạch liên tục có sự tăng trưởng cao qua các năm.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ, trong thời gian qua, bên cạnh đối tác truyền thống là Trung Quốc, đã có rất nhiều thị trường lớn mở cửa cho trái cây Việt. Đơn cử như xoài xuất khẩu mạnh sang Úc, Mỹ; Bên cạnh đó, thị trường Mỹ còn rộng cửa với bưởi, xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa; chanh, bưởi vào New Zealand; nhãn, xoài, thanh long, vải vào Nhật Bản; dứa có mặt trên kệ hàng tại nhiều siêu thị ở châu Âu (Hà Lan, Thụy Sỹ, Đức)…

Chìa khóa để mở cửa thị trường tiềm năng

Với những tín hiệu tích cực và nhiều thị trường tiềm năng được khai phá, Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 vừa được Bộ NN&PTNT phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, con đường xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang ngày càng rộng mở với những “tấm giấy thông hành” ra thế giới qua các nỗ lực đàm phán không ngừng với các đối tác thương mại. “Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường không chỉ là nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn cần sự phối hợp cố gắng từ phía chính các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm hiểu thị trường và xây dựng vùng chuyên canh trồng sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao từ các thị trường khó tính trên thế giới” - ông Hải nhấn mạnh.

Được biết, hiện tại, hơn 70% trái cây xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bao quản là chủ yếu, khiến giá trị gia tăng chưa cao. Đây là hạn chế cần cấp bách khắc phục.

Ghi dấu thương hiệu Việt Nam trên
Trái cây Việt muốn tiến đến các thị trường xa cần đầu tư vào công nghệ chế biến. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định về một số thị trường tiềm năng mà trái cây Việt nên hướng đến cùng những khuyến nghị cụ thể. Đơn cử, tại thị trường Mỹ - với nhu cầu về trái cây nhập khẩu cao, khi mà mức tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây, còn nguồn cung nội địa hiện chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây là thị trường tiềm năng hướng tới của ngành trái cây Việt Nam. Yêu cầu đặt ra trước mắt là các doanh nghiệp Việt cần tập trung cải tiến quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn về xuất xứ, chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật của thị trường này.

Ngoài ra, ASEAN là thị trường mới nổi cho xuất khẩu trái cây của nước ta. Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, tại khu vực ASEAN, Singapore là thị trường có mức thu nhập trung bình cao, có nhu cầu đối với các loại trái cây tươi chất lượng cao, nhất là đối với quả vải, nhãn còn nhiều dư địa tại thị trường Singapore. Song, đây là thị trường khắt khe, đặt ra nhiều yêu cầu đối với trái cây tươi nhập khẩu. Trong đó, quan trọng nhất là phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật/hóa chất.

Đối với thị trường châu Âu - cơ hội cho trái cây Việt tại thị trường này rất lớn vì quy mô thị trường chiếm tới 43% trị giá thương mại trái cây và rau toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10 - 20%), tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, để thâm nhập thành công thị trường EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao.