Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Vì tương lai xanh. Ảnh: Tư liệu
Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (BV&PTR - Quỹ Trung ương) đã chia sẻ với PV TBTCO về quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
* PV: Thưa ông, theo phản ánh của các địa phương, các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngày càng ý thức hơn trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Đánh giá từ phía cơ quan quản lý về các kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR từ đầu năm đến nay ra sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Quốc Trị: Từ đầu năm đến nay, Quỹ BV&PTR đã đảm bảo việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đúng tiến độ và chất lượng, hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra.
6 tháng đầu năm 2021, hệ thống Quỹ BV&PTR cả nước đã thu được 1.435,57 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch thu năm 2021 và bằng 166% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm 2021 thu được 2.800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, hoàn thành thanh toán nguồn tiền năm 2020 cho toàn bộ chủ rừng và tạm ứng nguồn tiền năm 2021 trước dịp Tết Nguyên đán 2022.
Lý do số thu tăng so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu vẫn là do sản lượng điện của hai quý là quý IV/2020 và quý I/2021 đều cao hơn so với sản lượng điện hai quý cùng kỳ năm trước, mức tăng lần lượt là 52% và 69%. Ngoài ra, việc cả nước kí kết được thêm 244 hợp đồng ủy thác cũng góp phần tăng nguồn thu. Đặc biệt, việc địa phương ký thêm 117 hợp đồng với các cơ sở sản xuất công nghiệp đã gia tăng nguồn thu từ đối tượng này so với cùng kỳ năm 2020.
* PV: Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thưa ông?
-Ông Nguyễn Quốc Trị: Thực tế, chi trả DVMTR ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp. Công tác giải ngân tiền DVMTR được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn đã kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua. Tiền chi đúng đối tượng, đúng mục đích, nhanh chóng và hiệu quả; thanh toán tiền DVMTR qua tài khoản (ngân hàng, hệ thống bưu điện và giao dịch thanh toán điện tử ViettelPay) đạt tỷ cao; giải ngân nhanh chóng, thuận lợi tiết kiệm thời gian, công sức và minh bạch.
|
Điều này nhằm thực hiện chủ trương giảm thiểu giao dịch tiền mặt trong chi trả DVMTR của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ BV&PTR, đồng thời để giảm bớt những khó khăn, rủi ro và đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình chi trả tiền DVMTR cho người dân tham gia bảo vệ rừng.
Theo đó, đến hết tháng 6/2021, Quỹ Trung ương đã điều phối 769,31 tỷ đồng nguồn tiền năm 2021 cho các địa phương, đạt 42% so với kế hoạch điều phối năm 2021, bằng 201% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2020, số tiền dịch vụ môi trường rừng được UBND cấp tỉnh phê duyệt giải ngân cho chủ rừng là hơn 2.397 tỷ đồng. Đến tháng 6/2021, Quỹ tỉnh đã giải ngân hơn 2.228 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch năm 2020.
Đối với nguồn tiền DVMTR năm 2021, đến hết tháng 6/2021, Quỹ tỉnh đã thực hiện tạm ứng cho chủ rừng hơn 235 tỷ đồng, 100% chuyển thông qua tài khoản ngân hàng.
Đặc biệt đến nay, diện tích rừng được trả tiền DVMTR nguồn năm 2020 là 6,7 triệu ha, chiếm 45% tổng diện tích rừng toàn quốc, trong đó đã có 2.200 chủ rừng là tổ chức và UBND xã được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng được hưởng tiền DVMTR với số tiền 1.835 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 222.188 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân; 5.238 cộng đồng; 1.578 thôn bản và 4.040 nhóm hộ đã hưởng tiền DVMTR. Toàn bộ số tiền DVMTR đã giải ngân cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng bằng các hình thức phi tiền mặt thông qua tài khoản ngân hàng, kho bạc; giao dịch điện tử; hệ thống bưu chính.
Có thể thấy, tiền DVMTR đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có tiền nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.
* PV: Được biết, việc chi trả tiền DVMTR còn gặp một số khó khăn. Điều này sẽ được Quỹ BV&PTR khắc phục như thế nào để hoàn thành mục tiêu thu 2.800 tỷ đồng năm 2021?
- Ông Nguyễn Quốc Trị: Thực tế quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR vẫn còn gặp một số khó khăn. Tại một số địa phương tiến độ giải ngân tiền DVMTR cho chủ rừng còn chậm do phải rà soát lại cụ thể, chính xác diện tích rừng đến từng chủ rừng và công tác phê duyệt kế hoạch chi tại các xã nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân tiền DVMTR. Bên cạnh đó, một số tỉnh có nguồn thu thấp và bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện nên khó khăn trong việc bố trí hoạt động của tổ chức và xác định diện tích rừng đến từng chủ rừng làm căn cứ chi trả tiền DVMTR như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Hơn nữa, còn một số cơ sở sử dụng DVMTR còn chây ì, chậm nộp tiền DVMTR, có hành vi vi phạm hành chính trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR như tại tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hà Giang và Kon Tum.
Cùng với đó là khó khăn trong việc xác định lưu vực và đối tượng nhận tiền DVMTR đối với bên cung ứng DVMTR cho các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước nội tỉnh. Nguyên nhân do nguồn thu nhỏ lẻ, manh mún trong khi đó mất nhiều chi phí cho việc xác định diện tích rừng đến từng chủ rừng làm cơ sở thanh toán tiền DVMTR.
Năm 2021, Quỹ BV&PTR phấn đấu thu đạt 2.800 tỷ đồng và tổ chức giải ngân kịp thời đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định hiện hành của Nhà nước. Để đạt mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm chương trình giảm phát thải Bắc Trung Bộ. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống Quỹ BV&PTNT rừng thu đúng, thu đủ tiền DVMTR năm 2021.
Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử, để đảm bảo an toàn của hệ thống quỹ trong chi trả tiền DVMTR trong năm 2021; chủ động tổng kết đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để tìm phương án chi trả thích hợp nhất.
Cùng với đó, phối hợp với các bên liên quan thực hiện công tác kiểm tra giám sát, nắm bắt, cập nhật thường xuyên tình hình tổ chức vận hành quỹ và thực thi chính sách chi trả DVMTR; đôn đốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong chi trả DVMTR đối với các đơn vị chậm nộp, không nộp tiền DVMTR.
*PV: Xin cảm ơn ông!
Lũy kế đến hết tháng 6/2021, cả nước đã ký được 1.208 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với 522 nhà máy thủy điện, 283 nhà máy nước sạch và 20 đơn vị kinh doanh du lịch, 383 cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước ký mới 244 hợp đồng. Dự kiến số tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 sẽ thu được từ 11 hợp đồng này là 21,238 tỷ đồng. Địa phương ký thêm 233 hợp đồng đối với 21 nhà máy thủy điện, 92 nhà máy nước sạch, 3 đơn vị kinh doanh du lịch và 117 cơ sở sản xuất công nghiệp. |
Khánh Linh