Giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều khởi sắc Dốc toàn lực cho công tác giải ngân vốn đầu tư công Đồng Nai: Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Áp lực trong giải ngân đầu tư công rất lớn

Đây là một trong ba hội thảo chuyên đề quan trọng của KTNN diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn “Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, nhằm góp phần nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định và nâng cao uy tín, hình ảnh của KTNN trong hoạt động giám sát, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế.

Gỡ

Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, không thể phủ nhận thời gian gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam còn có những hạn chế. Cụ thể như: đầu tư công một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn dàn trải; hoàn thành các dự án đầu tư chưa kịp thời so với mục tiêu đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, đâu đó còn có trường hợp thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, v.v.

Từ thực tiễn kiểm toán, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho hay nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch rất đa dạng; mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi dự án đều có những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.

Một số nguyên nhân có thể kể đến như thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật Đầu tư công với Luật NSNN cũng như các pháp luật chuyên ngành, pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư; quy trình, trình tự, thủ tục còn chồng chéo, phức tạp; công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập; đặc thù riêng của từng năm kế hoạch, từng nguồn vốn, từng dự đầu tư.

Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khách quan như các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu...

Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Đồng thời, năm 2023 cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội vì vậy áp lực liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là rất lớn.

Trình bày tham luận “Những nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công dưới góc nhìn của KTNN”, ông Vũ Thanh Hải – Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành IV cho biết, năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 69,07% (đạt 79,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 70,96% kế hoạch giao; tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 34,47% kế hoạch giao.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68% (đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 52,33% kế hoạch giao; tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 28,37% kế hoạch giao.

“Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, nguy cơ gây lãng phí, đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư, làm ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển” - ông Vũ Thanh Hải đánh giá.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm gây nguy cơ gây lãng phí, đội vốn
Toàn cảnh hội thảo

Nhiều "nút thắt" trong giải ngân đầu tư công

Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác giải ngân.

Cụ thể như, chưa thực hiện hết số vốn được giao trong năm ngân sách; bố trí vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục hoặc kéo dài quá thời gian quy định; phân bổ vốn không đúng cơ cấu ngành được giao theo quy định; phân bổ vốn NSNN đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA tại một số đơn vị chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế; không phân bổ hết kế hoạch vốn từ đầu năm; chưa ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm; bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư; bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn cho dự án quá thời gian quy định; bố trí vốn không sát thực tế dẫn đến không sử dụng được, hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; điều chuyển vốn không kịp thời ảnh hưởng đến việc giải ngân; chưa ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA;...

Gỡ
Ông Vũ Thanh Hải – Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành IV trình bày tham luận

Theo ông Vũ Thanh Hải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân khách quan là thủ tục dự án mất nhiều thời gian; việc điều hòa vốn giữa Chương trình phục hồi và Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được thực hiện thống nhất; vướng mắc về giá cả, nguồn cung vật liệu...

Về nguyên nhân chủ quan, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn một số tồn tại, bất cập, chưa phù hợp với thực tế nên phải điều chỉnh làm kéo dài thời gian thực hiện. Việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch,...

Giao kế hoạch vốn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên.

Từ những phân tích, đánh giá trên, đại diện KTNN đã đề xuất những giải pháp cần được thực hiện đồng bộ để khắc phục những “nút thắt” này trong triển khai đầu tư công.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đặc điểm của giải ngân vốn đầu tư công thông thường những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên.

Chi thường xuyên là để đảm bảo các hoạt động hằng tháng, nhu cầu chi tiêu và giải ngân cơ bản giống nhau giữa các tháng. Chi đầu tư đòi hỏi phải có một quá trình thực hiện và tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới có thể thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc, thậm chí có trường hợp hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán, đặc biệt là dự án mua sắm trang thiết bị.