![]() |
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung |
Tỷ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm trước
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công của cả nước từ đầu năm đến ngày 31/8/2023 trên 300.342 tỷ đồng, đạt trên 39% kế hoạch (760.852,2 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao là 707.044,2 tỷ đồng và kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương triển khai tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 53.808 tỷ đồng).
Ước thanh toán đến hết tháng 9/2023 trên 363.310 tỷ đồng, đạt 47,75% kế hoạch, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, (cùng kỳ năm 2022 đạt 42,16% kế hoạch và đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân 49.740,216 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Vẫn còn nhiều khó khăn cho công tác giải ngân Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, công tác giải ngân vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đơn cử như việc giao đất, chuyển đổi đất rừng tại một số dự án còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân… |
Đặc biệt, 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia (cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; Dự án vành đai 4 TP. Hà Nội; Dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Dự án đường Hồ Chí Minh; Dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành) cũng đang có tỷ lệ giải ngân khá cao. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/8/2023, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án này là 48.297,55 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55,3% trên tổng kế hoạch năm 2023 (87.317 tỷ đồng).
Tỷ lệ này cho thấy, công tác giải ngân đang đi theo đúng chiều hướng là “tăng tốc vào những tháng cuối năm”. Theo đó, các tháng cuối năm này được xem là giai đoạn nước rút để các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực cho các công trình, dự án. Trong đó, có nhiều địa phương đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân từ 95 - 100% kế hoạch vốn của năm nay.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi để tăng tốc
Tính đến ngày 20/9, tỉnh Đắk Nông mới giải ngân được hơn 1.356 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 34,5% kế hoạch năm 2023 (3.915 tỷ đồng). Đây là tỷ lệ giải ngân rất thấp so với cùng kỳ các năm trước của địa phương.
Nguyên nhân được xác định là do hầu hết các công trình, dự án vướng quy hoạch bô-xít, chậm trong giải phóng mặt bằng. Các mỏ đất quy hoạch làm vật liệu san lấp chưa được phê duyệt và thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện đối với một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia…
Tỉnh Đắk Nông đang chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tranh thủ mùa khô những tháng cuối năm để phối hợp xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án được kịp thời; tập trung giải quyết đúng các điểm nghẽn, nút thắt các dự án đang gặp phải.
Hết tháng 8/2023, Lào Cai đã giải ngân được hơn 3.083/5.341 tỷ đồng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 57%, cao nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn gần 2.300 tỷ đồng phải giải ngân trước ngày 30/12. Do đó, việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đang là yêu cầu bắt buộc đối với từng huyện, thị xã trên địa bàn.
Để gấp rút giải ngân vốn đầu tư, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Chỉ thị khẩn số 12/CT-UBND yêu cầu các cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án. Mùa khô tại tỉnh Lào Cai bắt đầu từ tháng 10 năm nay cho đến tháng 3 năm sau. Tranh thủ thời tiết khô ráo, thuận lợi cho việc thi công các dự án, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng tốc, sớm có khối lượng nghiệm thu gửi đến Kho bạc Nhà nước tỉnh thanh toán vốn kịp thời.
Đặc thù của các dự án giao thông là trải dài qua nhiều địa phương, theo đó, để giải ngân hơn 95.000 tỷ đồng nguồn vốn năm 2023, ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho từng lãnh đạo cao nhất của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bám sát công trường, tập trung tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu cho các đơn vị thi công. Đặc biệt, tranh thủ thời tiết thuận lợi tại từng vùng, miền, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công khoa học, hợp lý, có thời điểm làm “3 ca, 4 kíp”… nên tỷ lệ giải ngân các dự án, công trình luôn đạt cao.
Phấn đấu “tiêu hết tiền”, trong những tháng cuối năm này, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ có năng lực chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.
ÔNG DƯƠNG BÁ ĐỨC – VỤ TRƯỞNG VỤ ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH: Bộ Tài chính đã kiến nghị kịp thời các giải pháp, tháo gỡ nút thắt
Trước những khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công mà các bộ, ngành, địa phương đang gặp phải, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm 2023 tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án đến hết 31/10/2023 có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và cắt giảm kế hoạch đến hết 31/10/2023 chưa thực hiện phân bổ. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá kiểm điểm trách nhiệm cụ thể trong việc phải cắt giảm kế hoạch, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch của năm 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đã yêu cầu cần khẩn trương triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc danh mục dự án được giao theo Quyết định số 888/QĐ- TTg ngày 24/7/2023; có quyết định điều chỉnh kế hoạch (nếu có nhu cầu) theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025… ÔNG TRẦN MẠNH HÀ – VỤ TRƯỞNG VỤ KIỂM SOÁT CHI, KHO BẠC NHÀ NƯỚC: Không để tồn đọng hồ sơ thanh toán vốn mà không có lý do
Là cơ quan thực hiện kiểm soát và thanh toán vốn, ngay từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã quyết liệt triển khai các biện pháp và tổng hợp vướng mắc của địa phương; đồng thời cung cấp số liệu của từng dự án, từng đơn vị chủ đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện đôn đốc. KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ, giải quyết ngay hồ sơ sau khi nhận được từ các chủ đầu tư gửi đến, nhất là các hồ sơ được gửi qua dịch vụ công trực tuyến. KBNN không cho phép để tồn đọng bất kỳ hồ sơ nào mà không có lý do. Đặc biệt, để thống nhất cách hiểu, cách làm chung trong cả nước về thanh, quyết toán dự án đầu tư công, KBNN đã phối hợp với Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tổ chức các buổi tọa đàm về cơ chế, chính sách quản lý tài chính đầu tư công với các bộ, ngành, địa phương tại 3 miền Bắc Trung, Nam. Thông qua tọa đàm, KBNN đã ghi nhận, tổng hợp những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý. |