Ngày 25/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Gỡ “nút thắt” xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Chậm chuyển đổi số, chưa có sự kết nối

Tại hội thảo, TS. Vũ Quế Anh - đại diện Vụ Khoa học và công nghệ (KH&CN), các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ KH&CN cho biết, theo thống kê, hiện mới có 38/63 địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc.

Vẫn còn ít các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mã số mã vạch theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Khắc Toàn - Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), truy xuất nguồn gốc nông sản là các hoạt động liên quan đến theo dõi, nhận diện, truy vết thông tin một đơn vị sản phẩm trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối; là một trong các nội dung quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gỡ “nút thắt” xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Hạnh

Tuy vậy, đối với nông dân, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản còn nhiều khó khăn, hạn chế từ nhận thức đến hành động khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đó là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của chuyển đổi số còn hạn chế nên chưa chủ động học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số.

Nêu khó khăn về thực hiện chuyển đổi số vào nuôi trồng thủy sản, bà Nguyễn Hồng Cương - Chủ trại trại nuôi tôm và sản xuất tôm giống tại thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) thừa nhận, trình độ công nhân để tiếp cận và vận hành vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, đa số các sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sử dụng truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên việc ứng dụng phần mền truy xuất nguồn gốc hiện nay chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế…

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc truy xuất nguồn gốc nông nghiệp Hữu cơ Bình Minh cũng chia sẻ, khả năng chủ động tiếp cận với công nghệ số của nhiều nông dân còn hạn chế, cần có sự hỗ trợ về tập huấn, đào tạo…

Nâng cấp, mở rộng hệ thống

Để tháo gỡ khó khăn, cũng như nâng cao hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh, các cơ quan nhà nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ KH&CN

… cần phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tài liệu để hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Đối với HTX và Hội Nông dân, cần vận động, tổ chức nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản thuộc nhóm lương thực, thực phẩm xuất khẩu và nông sản tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Ngoài ra, các HTX, Hội Nông dân các địa phương huấn luyện nông dân thay đổi hành vi từ ghi chép nhật ký đồng ruộng, gia trại bằng giấy sang ghi chép bằng thiết bị điện tử thông minh, kết nối với HTX, doanh nghiệp, với người tiêu dùng và hệ thống quản lý thông tin địa lý (GIS) để tạo nên hệ thống truy xuất nguồn gốc. Qua đó, nông dân có thể cung cấp thông tin về nguồn gốc và quá trình sản xuất của sản phẩm…

Để việc áp dụng truy xuất nguồn gốc ngày một hiệu quả, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của bộ, cả về xây dựng mở rộng các tính năng, chức năng trên phần mềm và đầu tư, mua sắm thiết bị phần cứng, máy chủ.

Thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia và hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của các địa phương, hình thành hệ sinh thái và mạng lưới truy xuất nguồn gốc nông sản rộng khắp cả nước…

Chuyển đổi số mở ra những cơ hội lớn cho nông dân

Theo Hội Nông dân Việt Nam, chuyển đổi số đã mở ra những cơ hội lớn cho cán bộ, hội viên, nông dân như: Giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên; tiếp cận thị trường mới; quản lý rủi ro tốt hơn; nâng cao kiến thức và kỹ năng và kết nối hữu hiệu với khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và truy suất nguồn gốc.