Hà Nội có khoảng 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải vinh danh chủ doanh nghiệp tiêu biểu trong phát triển Đảng, đoàn thể. Ảnh: NNK

Ngày 4/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012, về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Thành lập 1.711 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước

Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thanh Minh cho biết, tính đến tháng 9/2022, thành phố Hà Nội có khoảng 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn). Số lượng doanh nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021 tăng trung bình khoảng 5%/năm.

Những năm qua, thành phố luôn quan tâm, đề ra các chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ổn định, có lợi nhuận, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho nhà nước. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô: chiếm 67% trên tổng số việc làm; đóng góp khoảng 30% GDP của Thủ đô…

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã tặng hoa và biểu trưng biểu dương 35 chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập được 1.711 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân; thành lập được 7.067 tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên, kết nạp được 483.837 đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể…

Các tổ chức đảng được thành lập trong doanh nghiệp đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp, tham gia với chủ doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh quy mô hoạt động, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, thay đổi mặt hàng, đổi mới công nghệ; tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp…

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU. Đến nay Thành ủy Hà Nội vẫn là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Kết quả trên là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, sự thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Hà Nội có khoảng 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NNK

Coi công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ then chốt

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác phát triển Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến số lượng trong khu vực này còn hạn chế. Trong khi đó, tại nhiều doanh nghiệp có tổ chức Đảng nhưng việc duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gặp không ít khó khăn.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Chính trị, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; phân cấp, ủy quyền trong quản lý kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục coi công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố. Việc phát triển được tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân là để đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn nữa.

Mở chuyên mục tuyên truyền về công tác xây dựng và phát triển Đảng

Về nhiệm vụ cụ thể, ông Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 09-NQ/TU, đặc biệt là quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân, việc xây dựng các tổ chức Đảng và đoàn thể nhân dân khu vực ngoài Nhà nước trong toàn xã hội. Đồng thời, không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền với cách thức và hình thức mới phù hợp với thực tiễn. Trong đó, các cơ quan báo chí của Thủ đô cần mở chuyên mục riêng về nội dung này để vừa tuyên truyền về công tác xây dựng và phát triển Đảng, vừa thông tin cho hoạt động của các doanh nghiệp.