6 tháng, thu được trên 43 tỷ đồng nợ thuế

Trên cơ sở nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao, Cục Thuế đã cụ thể hóa, giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và tiền thuế nợ cho Thuế tỉnh, thành phố để lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ cho từng cán bộ, công chức quản lý nợ, trong đó phấn đấu thu 80% các khoản tiền thuế nợ có khả năng thu tại thời điểm ngày 31/12/2024; giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh, các khoản tiền thuế nợ đang xử lý mà cơ quan thuế đã tiếp nhận hồ sơ và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục còn tồn đọng tại thời điểm ngày 31/12/2024.

Ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, chuẩn bị công tác khóa sổ kế toán năm 2024, trong đó phân nhóm các khoản nộp thừa để rà soát, xử lý.

Nỗ lực kéo giảm nợ thuế xuống dưới 8% so với số thực thu
Rà soát, giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh. Ảnh: TL

Một số địa phương đã có giải pháp để rà soát xử lý ngay các khoản nộp thừa sai, thừa ảo ngay sau hội nghị như: Hà Nội giảm 27.598 tỷ đồng, Hưng Yên giảm 987 tỷ đồng, Hà Nam giảm 822 tỷ đồng, Lào Cai giảm 757 tỷ đồng, Bắc Ninh giảm 618 tỷ đồng.

Cũng trên cơ sở kết quả hội nghị, Cục Thuế đã có phương án hướng dẫn các Thuế tỉnh, thành phố triển khai công tác chuẩn hóa dữ liệu, quán triệt cơ quan thuế các cấp khẩn trương thực hiện các biện pháp chuẩn hóa cơ sở dữ liệu còn phải nộp, nộp thừa; báo cáo tiến độ rà soát nợ, nộp thừa định kỳ hàng tuần về Cục Thuế cho đến khi việc báo cáo kết quả rà soát được thực hiện tại hệ thống ứng dụng quản lý thuế.

Cùng đó, Cục Thuế đã nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ chuẩn hóa dữ liệu nhằm hỗ trợ kiểm soát, theo dõi kết quản chuẩn hóa dữ liệu phải nộp, nộp thừa.

Một điểm nhấn nổi bật trong công tác cưỡng chế nợ năm 2025 là việc tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế là cá nhân, tổ chức có nợ thuế.

Theo đánh giá của Cục Thuế, số nợ thuế vẫn còn ở mức cao và tiếp tục có chiều hướng tăng. Lý giải về nguyên nhân tiền nợ thuế tăng ngành Thuế cho biết, chủ yếu là do các khoản tiền thuế được gia hạn theo các Nghị định của Chính phủ đã hết thời gian gia hạn nhưng người nộp thuế chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước. Thêm vào đó, tiền chậm nộp 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp tăng lên làm tổng số tiền thuế nợ tăng.

Theo đó, Cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025, trong đó quy định chi tiết về ngưỡng nợ thuế áp dụng tạm hoãn xuất cảnh và các trường hợp cụ thể bị áp dụng. Cục Thuế cũng đã ban hành Công điện chỉ đạo các Thuế tỉnh, thành phố triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định này đến người nộp thuế trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp khi biết được thông tin về việc cơ quan thuế áp dụng biện pháp này, đã chủ động thu xếp tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế nhằm gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh.

Theo thống kê của Cục Thuế, tính đến thời điểm báo cáo, cơ quan thuế các cấp đã ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh 63.170 người nộp thuế, với tổng số tiền thuế nợ là 84.227 tỷ đồng, trong đó có 37.544 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 13.572 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để việc thực thi biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thực sự phát huy vài trò như một công cụ pháp lý hữu hiệu, chính xác và mang tính răn đe cao trong hệ thống quản lý thuế hiện đại, yêu cầu đặt ra phải có một cơ chế phối hợp linh hoạt hiện đại và đồng bộ về mặt công nghệ.

Do đó, ngày 12/5/2025, Cục Thuế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã ký kết Quy chế phối hợp thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng điện tử. Theo đó, thay thế phương thức gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh theo phương thức truyền thống (bằng văn bản giấy, chuyển phát nhanh...) vốn tiềm ẩn nhiều hạn chế như chậm trễ, thiếu đồng bộ, phát sinh chi phí hành chính không cần thiết, bằng cách chia sẻ, xử lý, sử dụng thông tin tạm hoãn xuất cảnh theo phương thức điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc xác định đối tượng, áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế đúng pháp luật, kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, để kịp thời đánh giá tình hình thực hiện và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong tháng 5/2025, Cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kiểm đếm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; Hội nghị đã rà soát thực trạng, thống kê kết quả 5 tháng đầu năm, đồng thời đề ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi nợ trong 7 tháng cuối năm, đặc biệt là tại các địa bàn, lĩnh vực có rủi ro nợ cao.

Kết quả, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/6/2025 là 239.818 tỷ đồng, giảm 4,6% so với thời điểm ngày 31/5/2025. Thực hiện thu nợ thuế lũy kế tới hết tháng 6/2025, toàn ngành ước thu được 43.109 tỷ đồng, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 40.292 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.817 tỷ đồng.

Triển khai triệt để, quyết liệt biện pháp quản lý đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế

Để kéo giảm nợ thuế, lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu toàn ngành tập trung lãnh đạo chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế tối thiểu đạt 80% các khoản tiền thuế nợ có khả năng thu tại thời điểm ngày 31/12/2024; phấn đấu số nợ thuế đến cuối năm 2025 giảm xuống dưới 8% so với số thực thu vào ngân sách nhà nước.

Nỗ lực kéo giảm nợ thuế xuống dưới 8% so với số thực thu
Kịp thời đôn đốc người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đúng thời hạn, hạn chế tối đa phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp. Ảnh: TL

Đồng thời, Cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thực hiện chỉ tiêu thu nợ của từng đơn vị, từng công chức thuế, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Hỗ trợ tháo gỡ, xử lý nợ tại các địa bàn có số nợ thuế lớn, tăng cao.

Ngành Thuế tiếp tục triển khai Quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng hình thức điện tử giữa Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Cục Thuế, đảm bảo việc thực thi biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thực sự phát huy vai trò như một công cụ pháp lý hữu hiệu, chính xác và mang tính răn đe cao trong hệ thống quản lý thuế hiện đại.

Triển khai triệt để, quyết liệt các biện pháp quản lý đôn đốc, thu hồi, cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy trình, quy định, trên cơ sở đánh giá phân tích, phân loại kỹ lưỡng các khoản nợ; chủ động theo dõi sát sao các khoản thuế, phí được gia hạn, kịp thời đôn đốc người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đúng thời hạn, hạn chế tối đa phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp.

Chú trọng phân loại nợ thuế thực hiện chặt chẽ, chính xác theo từng nhóm đối tượng, từng khoản nợ để lựa chọn giải pháp quản lý phù hợp. Triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ tại Đề án tự động hóa các khâu trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, hướng tới mục tiêu thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, chấm dứt tình trạng nợ sai, nợ ảo.

Ngoài ra, ngành Thuế chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan như: Công an, Ngân hàng, Quản lý thị trường, Quản lý xuất nhập cảnh... trong thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ nhằm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản và thu khác vào ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa nợ mới phát sinh./.