Hà Nội thông qua Đề án công tác quản lý, sử dụng tài sản công của thành phố
Hà Nội thông qua Đề án công tác quản lý, sử dụng tài sản công của thành phố.

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 do UBND TP. Hà Nội tổ chức chiều 9/3/2023, ông Nguyễn Xuân Sáng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, đã trả lời báo chí hai vấn đề về: đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030” và lộ trình tăng giá nước sạch.

Tập trung phân tích, đánh giá 2 nhóm tài sản là nhà và đất đai

Theo ông Nguyễn Xuân Sáng, mục tiêu của đề án hướng đến là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh tình trạng tài sản công để hoang hóa, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, có vi phạm...

Đề án xác định phạm vi gồm 4 nhóm tài sản công, đó là: Nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác; trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và đất đai.

Đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp chung gồm: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tài sản công theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ; thống kê, hệ thống hóa đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về tài sản công với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; kiện toàn, đổi mới mô hình, bộ máy cơ quan quản lý tài sản công và đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý tài sản công; nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, đề án đề ra 4 nhóm giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác từng nhóm tài sản công của thành phố.

"Đây là đề án khung, có tính chất định hướng, trên cơ sở đề án được phê duyệt, UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, trong đó trọng tâm là triển khai 4 đề án thành phần tập trung vào 2 nhóm tài sản có quy mô và giá trị lớn của thành phố là nhà và đất đai" - ông Sáng nói.

Hà Nội thông qua Đề án công tác quản lý, sử dụng tài sản công của thành phố
Ông Nguyễn Xuân Sáng- Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội trả lời báo chí tại cuộc họp

Dự kiến tăng giá nước sạch cho 5 nhóm khách hàng

Liên quan lộ trình tăng giá nước (mức giá dự kiến và lộ trình tăng giá), ông Nguyễn Xuân Sáng cho hay, trong những năm qua, hệ thống sản xuất và phân phối nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn như ngân sách nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, các chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương nhân công, chi phí điện năng, nguyên nhiên vật liệu và chi phí đầu tư cơ bản đều tăng dẫn đến phải điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm...

Căn cứ các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính Hà Nội đang chủ trì cùng các sở, ngành và doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Dự kiến lộ trình áp dụng trong năm 2023 và năm 2024, mức giá dự kiến tăng hàng năm được áp dụng cho các nhóm khách hàng: hộ dân cư; cơ quan hành chính sự nghiệp; đơn vị sự nghiệp; phục vụ công ích; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Trong đó, dự kiến đối với các hộ dân cư với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức đến 10 m3 thì số tiền phải chi thêm khoảng 15.270 đồng/tháng. Đối với nhóm khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì mức giá nước tăng khoảng 20%, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng chi phí.

Dự thảo phương án giá nước sạch đã đánh giá các tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng. Trong đó, việc điều chỉnh giá nước sạch xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

"Theo tính toán của liên ngành, phương án điều chỉnh giá nước nếu tính đến tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì tăng khoảng 0,17%, không tác động lớn đến giá các loại hàng hóa, dịch vụ có liên quan" - ông Sáng nhấn mạnh.

Song song với công tác xây dựng đề án, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 04/10/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các sở, ngành, đơn vị đang khẩn trương, tập trung triển khai các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, đặc biệt là nhóm tài sản công là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước và quỹ đất đai của thành phố.