Hồi phục, phục hồi

Tập trung “trị bệnh”, “nâng cao sức đề kháng”, Chính phủ muốn nền kinh tế chóng hồi phục, đủ “khỏe” để đủ bình tĩnh khi sống chung với Covid-19 và phục hồi vào năm tới. Báo cáo trước Quốc hội (QH), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong hơn một tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vắc-xin trên toàn quốc; tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, cơ bản không để cản trở, ách tắc trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa.

Vào tháng cuối năm, hoặc muộn lắm là đầu năm sau, QH cũng dự định sẽ tiến hành một kỳ họp chuyên đề để xem xét ban hành chiến lược phục hồi kinh tế do Chính phủ trình. Nếu công việc này được tiến hành đúng kế hoạch, thì nền kinh tế có đầy đủ hành trang để sẵn sàng “bật dậy” vào năm 2022; chủ động và vững tin bất kể làn sóng dịch bệnh lần thứ 5 có xuất hiện hay không.

Ngay sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 2, ngày 13/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021 về chiến lược phục hồi kinh tế.
Ngay sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 2, ngày 13/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021 về chiến lược phục hồi kinh tế.

Về tốc độ tiêm phủ vắc-xin - yếu tố cốt tử quyết định sự hồi phục, lúc này, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Một lần nữa, sự hợp tác của người dân trong chiến lược tiêm chủng này đã làm nên thành công cho Việt Nam. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người dân ít hợp tác với chính quyền và ngay cả khi được hứa hẹn rất nhiều phần thưởng cho việc tiêm vắc-xin thì họ cũng tỏ ra không mấy mặn mà.

Trong hơn một tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vắc-xin trên toàn quốc.
Trong hơn một tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vắc-xin trên toàn quốc.

Số liệu mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, tính đến 16/11/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 135 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 và đã phân bổ 116 triệu liều, số tiêm chủng đạt trên 101 triệu liều. Theo đó, có trên 88% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin, nhóm tiêm đủ 2 mũi đạt xấp xỉ 50%. Hiện chỉ có 9/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ liều vắc-xin mũi 1 ở mức dưới 70%. Cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (HCM), hàng loạt địa phương đã đạt đến tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là ở 13 tỉnh miền Tây như: Long An đã hoàn thành tiêm mũi 1 và tỷ lệ tiêm mũi 2 là 96,01%; Vĩnh Long đạt khoảng 97,57% mũi 1; TP. Cần Thơ 95,9%; An Giang đạt 95,23%... Theo kế hoạch, đến hết tháng 12/2021, Việt Nam sẽ tiêm chủng đủ 2 mũi cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi và tiêm mũi 1 cho trẻ 12 - 17 tuổi.

Vẫn còn vẹn nguyên

Khắc nghiệt như chiến tranh nhưng đại dịch dịch Covid-19 không tàn phá hạ tầng như chiến tranh. Nhìn từ TP. HCM - thủ phủ kinh tế của cả nước và cũng là nơi đại dịch hoành hành ác liệt nhất, khiến tăng trưởng kinh tế tại đây dự kiến năm nay âm tới hơn 5%, nhưng các tiền đề vật chất quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố, nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách, vẫn còn vẹn nguyên. Thiết bị công nghệ, máy móc của 288 nghìn doanh nghiệp vẫn còn vẹn nguyên, lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động, hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, nước, rác, thông tin, ngân hàng, các hợp đồng kinh tế, quan hệ kinh tế… cơ bản cũng vẫn còn vẹn nguyên.

“Có khi chết dở”

Hồi phục sức khỏe rồi thì làm thế nào để bật dậy? Câu hỏi không dễ trả lời nên Quốc hội mới phải có thêm kỳ họp đặc biệt trong thời gian tới để xem xét kỹ. Một khi đáp án chưa chính xác, thì “có khi chết dở”, như lo ngại của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Ông Dũng phân tích: “Cần phải có một chương trình tổng thể hỗ trợ với một quy mô đủ lớn, đủ khả năng vay trả và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Nhưng như với gói kích cầu đầu tư, đến giờ giải ngân còn chưa hết, sắp tới nếu lại tung ra thì làm sao mà giải ngân kịp trong năm 2022 và 2023? Công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân cứ như thế này thì không thể nào mà hấp thụ được, có khi lại còn kéo dài ra đến 5, 10 năm sau thì chết dở”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đang đầy ưu tư về câu chuyện này. Nhớ lại năm 2020, vừa phải ứng phó với dịch bệnh, vừa phải chuẩn bị hàng loạt các sự kiện trọng đại của đất nước như chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng XIII… nhưng giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ kỷ lục là 98%, người đứng đầu QH thấy trong khi năm 2021, thể chế pháp luật về đầu tư công tiến bộ hơn năm 2020, mà đến hết 10 tháng giải ngân chưa được 50%. 16.000 tỷ đồng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được một đồng nào, 56.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào. “Nhiều đại biểu muốn nới bội chi, tăng trần nợ công, gói nọ, gói kia. Nhưng bây giờ toàn bộ số tiền chúng ta đang có chúng ta chưa tiêu được thì còn nói gì được?” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân còn thấy, cùng với những tiền đề vật chất quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố vẫn còn vẹn nguyên, thì quan hệ với các địa phương, trung ương tốt hơn, ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn, đã là giá đỡ vững chắc cho sự phục hồi. Nhưng, ông Nhân cho rằng, doanh nghiệp vẫn cần có thêm trợ lực. Bởi sau gần 4 tháng ngưng sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp không có thu nhập, không có dòng tiền để mua nguyên liệu, vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới và để trả lương cho người lao động khi chưa tiêu thụ được sản phẩm…

“Doanh nghiệp cần được hỗ trợ vay để hoạt động trở lại thông qua việc giảm lãi suất cho vay. Nếu so với số thuế mà các doanh nghiệp này đóng góp một năm là 277.000 tỷ đồng thì nó gấp gần chục lần số tiền mà chúng ta có thể hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp. Vậy không chỉ đáng làm về mặt kinh tế mà còn đáng làm về mặt xã hội” - nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM tính toán.

Đây cũng là điều mà Chính phủ đang miệt mài bàn thảo. Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nếu bỏ ra trong hai năm 2022, 2023 mỗi năm 20.000 tỷ đồng, hai năm là 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khoảng 4% thì huy động được khoảng 1 triệu tỷ đồng để bỏ vào nền kinh tế, mà không làm tăng bội chi ngân sách, cũng không làm tăng nợ công. Bởi vì, nguồn này sẽ được lấy trong nguồn đầu tư chưa phân bổ trong giai đoạn 2021 - 2025 nên sẽ không bị ảnh hưởng.

Không thể bất chấp

Theo các nghiên cứu của Chính phủ về các gói kích cầu mà một số quốc gia sử dụng để “đối trọng” với đại dịch đều có điểm chung là quyết sách rất nhanh, thực hiện rất dễ, quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ và bất chấp những kỷ luật, kỷ cương về tài chính, chấp nhận tăng trần nợ công cũng như nợ chính phủ và bội chi ngân sách. Chẳng hạn, Mỹ đã chi 27,9% GDP và chấp nhận tăng nợ công thêm 21 điểm phần trăm và đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP. Tương ứng như vậy, Trung Quốc tăng thêm nợ công là thêm 9,7% điểm và tỷ lệ nợ công đến nay của nước này là 66,8% GDP…

Nhưng Việt Nam thì không thể bất chấp, bởi nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Có khi chết dở”. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đưa ra con số nợ công nếu tính theo GDP cũ thì năm 2021 đã là 56,8%, vượt ngưỡng cảnh báo là 55%. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đang nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ, lựa chọn phù hợp các công cụ, chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực và đánh giá tác động, ảnh hưởng trên các lĩnh vực để trình QH xem xét, quyết định. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời điểm phù hợp, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công được kiểm soát chặt chẽ.