Doanh thu dịch vụ tăng 12% so với cùng kỳ

Báo cáo vừa được Bộ Công thương công bố cho thấy, những tín hiệu lạc quan về hoạt động thương mại, dịch vụ khởi sắc nhanh chóng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2022 đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng.

Trong đó, bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (riêng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng; ngược lại, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm lần lượt 3,5% và 4,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài); lưu trú và ăn uống tăng 5,2%; du lịch tăng 10,5%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan

Thị trường hàng hóa tháng 4 không có biến động bất thường. Nhu cầu hàng hóa nhóm trang thiết bị đồ dùng gia đình, quần áo, giầy dép… tăng khi thời tiết đang chuyển dần sang mùa hè. Do có các dịp nghỉ lễ kéo dài (Giỗ Tổ Hùng Vương, dịp lễ 30/4 và 1/5) cùng với nhiều chương trình kích cầu du lịch trong nước được triển khai nên nhu cầu du lịch, dịch vụ của người dân tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đánh giá tích cực nêu trên, Bộ Công thương cũng đưa ra lưu ý, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng, đang tạo ra những áp lực tăng giá tiêu dùng. Mặc dù vậy, với nỗ lực chung của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ bản mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Xuất khẩu nhiều điểm sáng

Phân tích, đánh giá hoạt động trao đổi thương mại 4 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công thương còn cho thấy điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu. Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ sự phục hồi mạnh mẽ nêu trên, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước tính tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao, cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.

Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh là do doanh nghiệp thích ứng nhanh và tận dụng được lợi thế, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực kim ngạch đã vượt 10 tỷ USD, tăng trưởng 2 con số.

Tiêu biểu là kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 4 tháng ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 4 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất). Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam.

Điểm sáng nữa là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 4 tháng đầu năm tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 105,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, chẳng hạn như: phân bón các loại tăng 46,9% về lượng, nhưng tăng tới 192,6% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao; kim ngạch xuất khẩu hóa chất tăng 72%; đá quý và kim loại quý tăng 70,7%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 46,6%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 35,9%; sản phẩm từ sắt thép tăng 30,7%; hàng dệt và may mặc tăng 21,6%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, bên cạnh việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường mới, hàng hóa Việt Nam vẫn “vững chân” và tăng trưởng 2 con số ở các thị trường chủ lực.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 35,6 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 19 tỷ USD, tăng 16,7%; thị trường EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 19,9%; thị trường ASEAN ước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 20,7%; Hàn Quốc ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 12,2%.