Dấu ấn quan trọng

Nhận định về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách năm 2014, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế chưa có sự tăng trưởng đột phá, hoạt động SX-KD của DN còn khó khăn, nhiều chính sách thuế lớn được áp dụng theo hướng giảm động viên vào ngân sách, tạo thêm nguồn lực cho DN tái đầu tư mở rộng SX-KD, làm giảm thu NSNN trong ngắn hạn.

Trong quá trình thực hiện, ngành Tài chính tiếp tục bổ sung một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tất cả các giải pháp để tăng cường quản lý thu, chống thất thu và đã thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời NSNN.

Do đó, việc thực hiện thu NSNN năm 2014 ước vượt 10,6% (63,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 12,3% so với năm 2013.

Nhờ có tăng thu ngân sách, năm 2014, Ngành đã đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán, bổ sung nguồn đảm bảo an sinh xã hội, tăng chi trả nợ và xử lý nợ của NSNN; giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Đồng thời, ngành Tài chính vẫn đảm bảo huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển; song song với đó, đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng thực hiện cơ cấu lại nợ công, đảm bảo khả năng trả nợ. Cụ thể, chuyển mạnh từ phát hành TPCP kỳ hạn ngắn 1-3 năm sang kỳ hạn dài 5 năm, 10 năm, với lãi suất thấp hơn. Thực hiện phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm với lãi suất 4,8%/năm để cơ cấu lại các khoản trái phiếu quốc tế cũ có lãi suất cao hơn (bình quân khoảng 6,8%/năm), giãn áp lực bố trí nguồn trả nợ cho các năm 2015, 2016.

Năm 2014 cũng là năm ngành Tài chính đã có sự đổi mới vượt bậc trong công tác tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát. tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tăng khoảng 4%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch (7%).

Để thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngành Tài chính cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, đẩy mạnh cổ phần hoá; tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm.

Đặc biệt, năm 2014, ngành Tài chính đã có sự đột phá mạnh mẽ trong công tác đơn giản hóa, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục những hạn chế, tồn tại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tích cực triển khai các giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo Bộ Tài chính cũng nhận định tình hình tài chính - NSNN năm 2014 cũng còn những tồn tại, hạn chế, nhất là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp... cần phải khắc phục để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Nhiệm vụ trọng tâm 2015

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu dự toán NSNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua với tổng số thu cân đối là 911,1 nghìn tỷ đồng và tổng số chi là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, mức bội chi NSNN là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP, Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2015, cụ thể: cần tiếp tục quản lý chi NSNN chặt chẽ và tiết kiệm; đồng thời, đảm bảo huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; từng bước cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ.

Như vậy trong năm 2015, ngành Tài chính cho biết, sẽ tập trung thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội; Chỉ đạo chống thất thu, chống chuyển giá, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, giảm nợ đọng thuế... Bên cạnh việc thúc đẩy cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, ngành cũng đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký thuế, kê khai nộp thuế, cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế qua mạng điện tử, rút ngắn thời gian thông quan... để phấn đấu giảm số giờ nộp thuế xuống mức trung bình trong khu vực ASEAN. Đồng thời, không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, Ngành triệt để tiết kiệm chi NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Năm 2015, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đã triển khai giai đoạn 2011-2015 để cắt giảm, lồng ghép các chính sách, xây dựng lộ trình, quy mô phù hợp đối với từng nhóm chính sách thực hiện cho giai đoạn 2016-2020; chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn kinh phí đảm bảo.

Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành quyết liệt giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá khí và giá dịch vụ công thiết yếu để có bước chuyển biến rõ rệt theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước theo lộ trình và mức độ phù hợp, bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát.

Mặt khác, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro; kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ... đảm bảo kiểm soát mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn. Có biện pháp cơ cấu lại các khoản vay ngay trong năm 2015 và xây dựng lộ trình cụ thể cho giai đoạn tiếp theo để tăng cường huy động các khoản vay với kỳ hạn dài, giảm thiểu các khoản vay với kỳ hạn ngắn, giảm phát hành đảo nợ./.

H.TR