Kết nối liên thông dữ liệu thuế, hải quan để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đức Minh

Khuyến khích tham gia dịch vụ công trực tuyến

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ chủ trì, nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) tham gia dịch vụ công (DVC) trực tuyến như: miễn, giảm phí, lệ phí cho người dân, DN khi thực hiện DVC trực tuyến.

Đến nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo thông tư về miễn, giảm phí, lệ phí cho người dân và DN sau khi lấy ý kiến và trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành. Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thông tư giảm phí, lệ phí khi cung cấp DVC trực tuyến theo đúng quy trình quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và các năm tiếp theo, trong đó có yêu cầu tập trung rà soát tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các DVC đã cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, DN là trung tâm.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đã thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp, hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Tính đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 6 TTHC tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 5 quyết định công bố bãi bỏ 4 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 7 TTHC; công bố mới 3 TTHC trong các lĩnh vực: hải quan, thuế, quản lý giá và quản lý bảo hiểm. Đồng thời, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng DVC quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Hiện nay, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 800 TTHC, trong đó: lĩnh vực thuế là 235 thủ tục; lĩnh vực hải quan là 230 thủ tục; lĩnh vực kho bạc nhà nước là 11 thủ tục; lĩnh vực dự trữ là 7 thủ tục; lĩnh vực chứng khoán là 104 thủ tục; lĩnh vực tài chính chung là 213 TTHC.

Liên tục rà soát, đảm bảo tiến độ thực hiện đề án

Tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 cho biết, năm 2023 được đánh giá là năm ứng dụng thực hiện dữ liệu sử dụng DVC trực tuyến. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 cuộc họp về vấn đề này và sau đó đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đã tiếp nhận, xử lý hơn 25 triệu hồ sơ trực tuyến

Về yêu cầu đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định của Chính phủ. Tính đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý 25.472.303 hồ sơ trực tuyến.

Cuộc làm việc nhằm đánh giá lại việc thực hiện triển khai Đề án 06/CP trong lĩnh vực tài chính. “Trước hết là hoàn thiện thể chế thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, trong đó có thông tư miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, DN; dữ liệu khai thác trong lĩnh vực thuế và hải quan” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, việc thực hiện Đề án nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP. Để đạt được mục tiêu đó, Thứ trưởng khẳng định, vai trò của Bộ Tài chính là rất quan trọng. Đề án

06/CP đã nêu cụ thể thời gian thực hiện cho từng nhiệm vụ, do đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tiến độ thực hiện, trong trường hợp cần tháo gỡ vướng mắc, kịp thời có kiến nghị gửi tới Tổ công tác.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số, đảm bảo kết nối dữ liệu liên thông với dữ liệu dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính gồm 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó 10 cơ sở dữ liệu đã hoàn thành triển khai (quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; quản lý thuế; quản lý kho bạc; quản lý hải quan; quản lý chứng khoán; quản lý tài sản công; quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN; danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính; quản lý giá, quản lý bảo hiểm), 2 cơ sở dữ liệu đang thực hiện (quản lý nợ; quản lý dự trữ).

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính, có 2 cơ sở dữ liệu hiện nay là ưu tiên hàng đầu, đó là thuế, hải quan, sau đó sẽ thực hiện đối với lĩnh vực tài sản công và kho bạc, quản lý bảo hiểm, chứng khoán. Trong lĩnh vực thuế, vấn đề mua bán hóa đơn giả, hoàn thuế… cần có kết nối liên thông và định danh để kiểm soát. Trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, khi có định danh, kết nối liên thông thì việc truy vết sẽ dễ thực hiện hơn.

Triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thuế

Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thuế: Nhiệm vụ về sử dụng mã số thuế là số định danh cá nhân theo quy định của luật thuế; đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh công dân là mã số thuế; nghiên cứu giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; phối hợp với Bộ Công an để triển khai việc kê khai, đăng ký, nộp thuế trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID), sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành Thuế, Hải quan..

Tính đến ngày 18/5/2023, có 16.814 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4,68 triệu hóa đơn với tổng tiền thuế thu được trên thông tin hóa đơn là 222,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Thuế còn khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh xuyên biên giới. Luật Quản lý thuế năm 2019 và khoản 2 Điều 27 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin theo quy định trên là theo từng lần đề nghị của cơ quan thuế, chưa mang tính thường xuyên, chưa có quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin nên chưa đủ cơ sở để cơ quan thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu về người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT thông qua các sàn giao dịch TMĐT.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, bổ sung quy định về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin để có sở pháp lý thực hiện thống nhất.

Đồng thời, đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận dữ liệu của các sàn giao dịch TMĐT và có văn bản gửi các cục thuế về việc tổ chức triển khai việc hướng dẫn các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP, chính thức triển khai Cổng TMĐT từ ngày 15/12/2022...