Thị trường M&A suy giảm

Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A (mua bán sáp nhập doanh nghiệp) trên toàn cầu đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu GlobalData cho thấy, quý III/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% (so với cùng kỳ năm 2021). Với diễn biến chậm lại của các giao dịch quy mô lớn, thị trường M&A toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.

Kinh tế phục hồi sẽ kích hoạt mạnh các hoạt động M&A
Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh thu hút hàng trăm nhà đầu tư tham dự. Ảnh: Việt Dũng

Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A ở Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với các năm 2020, 2021. Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3%. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).

Cùng với các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam cũng đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách, nhằm thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, có tác động lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Nguyên nhân khiến hoạt động M&A suy giảm có thể được kể đến gồm: Xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu, các rủi ro vĩ mô liên tục gia tăng, giá xăng dầu, lương thực tăng cao, đẩy lạm phát tăng kỷ lục, buộc nhiều nền kinh tế phải đảo chiều chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa. Tình hình dịch bệnh phức tạp tại một số quốc gia đã tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, rủi ro thu hẹp thị trường ngày càng gia tăng…

Các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 làm tăng thêm ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư toàn cầu nói chung và vào Việt Nam nói riêng, trong đó có vốn thực hiện các thương vụ M&A. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tính chung 10 tháng kể từ đầu năm 2022 vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,46 tỷ USD; có 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Chờ kinh tế phục hồi

Năm 2023, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia… Những diễn biến khó lường trên toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam; thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, thậm chí thách thức, khó khăn còn nhiều hơn.

Kinh tế phục hồi sẽ kích hoạt mạnh các hoạt động M&A
Nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội cho hoạt động M&A tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022. Ảnh: Việt Dũng

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn. Chính vì thế, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và đã được thông qua với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 là 4,5%, còn tăng trưởng kinh tế là 6,5%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thời gian qua, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng lực và khả năng kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới; khả năng điều hành, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực cũng đã được nâng cao. Đây sẽ là thuận lợi cơ bản để kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong năm 2023, năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, để từ đó bước vào giai đoạn tăng tốc 2024 - 2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, soạn thảo, hoàn thiện dự thảo các luật: Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)… nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A. Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng khá, vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn, an toàn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư vẫn đặt nhiều niềm tin vào các giải pháp phòng chống dịch, điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ Việt Nam.