Cân nhắc các yếu tố tác động lên CPI

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tuy cao hơn mức tăng 0,29% của cùng kỳ năm 2021 nhưng lạm phát quý I vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn mức tăng của các năm trong giai đoạn từ 2017 - 2020.

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trên thực tế, CPI quý I/2022 của Việt Nam được kiểm soát tốt trong bối cảnh nhiều quốc gia chịu bão giá do xăng dầu. Một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, tháng 2 vừa qua chỉ số giá tăng 7,9%, Anh tăng 6,22%, Đức tăng 5,1%, Ý tăng 5,7%. Châu Á chịu ảnh hưởng ít hơn. Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam) chỉ số giá chỉ tăng 0,9%, Nhật Bản tăng 0,9% trong khi đó các nước ASEAN như Việt Nam tương đồng với một số nước như Malaysia, Indonesia tăng khoảng 2%, Thái Lan cao hơn, tăng 5,3%.

Dưới góc độ của người làm công tác thống kê, ông Nguyễn Trung Tiến phân tích, nếu muốn đánh giá về chỉ số CPI thời gian tới, cần phải xem xét đến từng nhóm trong rổ tính chỉ số CPI. Theo đó, phải đánh giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, cần tính đến yếu tố nước ta đang trở lại trạng thái bình thường mới, học sinh quay lại học tập, sản xuất kinh doanh mở lại sẽ tăng mức tiêu thụ lương thực thực phẩm, nhóm này do đó cũng sẽ tác động lên giá tiêu dùng.

Ngoài ra, yếu tố có thể ảnh hưởng tới lạm phát đó là giá sản xuất hàng hóa chịu áp lực tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng. Giá nguyên vật liệu toàn cầu đã tăng từ quý II/2021 nhưng giá sản xuất hàng hóa chúng ta chưa tăng do cầu trong nước yếu. Đây cũng là áp lực tăng giá trong những tháng tiếp mà đặc thù Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nguồn cung thế giới đứt gãy nên giá nguyên vật liệu tăng cao.

Chỉ số giá một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam

Một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, tháng 2 vừa qua chỉ số giá tăng 7,9%, Anh tăng 6,22%, Đức tăng 5,1%, Ý tăng 5,7%. Châu Á chịu ảnh hưởng ít hơn. Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam) chỉ số giá chỉ tăng 0,9%, Nhật Bản tăng 0,9% trong khi đó các nước ASEAN như Việt Nam tương đồng với một số nước như Malaysia, Indonesia tăng khoảng 2%, Thái Lan cao hơn, tăng 5,3%.

Về giá xăng dầu, dự kiến giá bình quân trong năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021 và tác động tất cả các chi phí đầu vào của kinh tế. Từ những nguyên nhân này, chỉ số giá CPI năm 2022 sẽ có xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo, mức độ tăng phụ thuộc vào giá thế giới cũng như mức độ điều hành của Chính phủ.

Lên phương án “kém lạc quan” nhất để chủ động điều hành

Ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng, lạm phát năm 2022 ở mức 4% có thể đạt được nhưng ông khẳng định đây là công việc khó. Tuy nhiên, với sự kiên định trong điều hành của Chính phủ và kinh nghiệm những năm trước, việc đạt mục tiêu đề ra là có thể thực hiện được.

Về phía cơ quan quản lý, ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đã trải lòng về những khó khăn trong quản lý, điều hành giá ngay từ những tháng đầu năm. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá với kinh nghiệm trong điều hành và vai trò giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã theo sát tình hình diễn biến của giá cả trong từng tháng và từng quý để có giải pháp phù hợp. Cơ quan quản lý cũng đã lên phương án, dự tính các kịch bản để báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo để đưa ra những giải pháp kịp thời.

Ông Đặng Công Khôi cho biết, trong các kịch bản điều hành bao giờ cũng có 3 loại, kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản “không lạc quan” nhất. Trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đó nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhìn lại mặt bằng giá trong quý I vừa qua, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy, vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công. Kinh nghiệm điều hành giá trong những lúc khó khăn chính là một lợi thế. Với diễn biến CPI của quý I vừa qua, các bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Được biết, thực hiện tốt vai trò nhạc trưởng trong quản lý nhà nước về giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục chủ động cập nhật thông tin diễn biến giá cả thị trường, phối hợp với các bộ, ngành cập nhật kịch bản điều hành giá hướng tới kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được giao. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Giá xăng dầu tăng gây ra kỳ vọng lạm phát

Giá xăng dầu tăng là nguyên nhân chính tác động lên lạm phát, kể cả ở vòng 1 và vòng 2, khi nhiều mặt hàng tăng theo giá xăng. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, chi phí đầu vào cao đã khiến giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dư luận lo ngại hệ quả của việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát trong thời gian tới. Lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Giá xăng dầu thời gian gần đây đã dần hạ nhiệt. Việc giảm giá xăng dầu cũng bớt nỗi lo tác động tăng giá. Tuy nhiên, các phương án và kịch bản giá trong trường hợp xấu nhất cũng được tính đến. Theo kịch bản mô phỏng, nếu xăng dầu tiếp tục tiến tới mức 140 USD/thùng thì lạm phát bình quân năm nay vẫn có thể ở mức 4%, nhưng lạm phát so với cùng kỳ sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8 và tháng 9 và cuối năm có thể trên 7%. Điều này rất nguy hiểm ở chỗ gây ra kỳ vọng lạm phát và áp lực lớn hơn nữa cho điều hành, kiểm soát lạm phát năm 2023.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay là 4% đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Một số chuyên gia dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8% - 3,9%.

Tuy nhiên, để chỉ tiêu lạm phát trong năm 2022 đạt được mục tiêu đề ra, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý không nên chủ quan, lơ là mà cần phải khắc phục những khó khăn là các yếu tố gây bất lợi lên mặt bằng giá.

Muốn vậy, cần từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác, tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia khi có những biến động làm bất lợi cho nền kinh tế nước nhà. Điều này đã được Bộ Công thương khẳng định, luôn đảm bảo cung cầu thị trường, không để xảy thiếu xăng dầu.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt, sản phẩm Việt ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Cục Quản lý giá đã khẳng định thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu; rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước. Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.