CPI đã chuyển từ giảm sang đi ngang

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, sau đà lao dốc mạnh trong tháng 4, chỉ số CPI gần như có diễn biến đi ngang trong tháng 5/2020 khi chỉ giảm nhẹ 0,03%. Theo đó, CPI cuối tháng 5 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019, giảm mạnh so với mức đỉnh 6,4% hồi cuối tháng 01/2020.

Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 5, có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông mặc dù không còn giảm mạnh như trong tháng 4 (-13,8%) nhưng vẫn đứng đầu mức giảm trong tháng vừa qua (-2,21%).

Ở chiều ngược lại, nhóm hàng có tỷ trọng lớn nhất trong rổ tính CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng 0,34% trong tháng 5. Đây cũng là nhóm hàng hiện có mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ (+12%, chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung thịt lợn).

lạm photo

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDS), CPI tháng 5/2020 của Việt Nam chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ kể từ tháng 10/2019. So với tháng trước, CPI tương đối ổn định do mức giảm của chỉ số giá ngành giao thông (-2,2% so với tháng trước) đã bù đắp đà tăng CPI trong các nhóm thực phẩm (+0,34% so với tháng trước), đồ uống và thuốc lá (+0,25% so với tháng trước) cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,25% so với tháng trước).

“Lạm phát có thể tăng trở lại trong tháng 6 này, tuy nhiên vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của Chính phủ, vì chúng tôi nhận thấy đà tăng mạnh của giá dầu thô trong khi giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức cao”- chuyên gia của VNDS nhận định.

Xu hướng giảm sẽ khó duy trì trong thời gian tới

Dù liên tiếp giảm trong 4 tháng gần đây, nhưng BVSC cho rằng, xu hướng giá xăng dầu trong nước tăng trở lại (do giá dầu thế giới hồi phục) sẽ dần phản ánh rõ nét, là yếu tố khiến chỉ số CPI có thể bật tăng trong các tháng tới. Ngoài ra, giá thịt lợn vẫn là một ẩn số rủi ro đối với CPI từ giờ tới cuối năm (trong tháng 5, giá thịt lợn vẫn tăng 4,13% bất chấp động thái tăng cường nhập khẩu thịt đông lạnh của Việt Nam).

CPI
Mặc dù CPI ghi nhận lần giảm thứ tư liên tiếp do hiệu ứng giá dầu thô, nhưng xu hướng này khó duy trì trong các tháng tới. Ảnh: DT.

Về vấn đề này, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, trong khi Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước bằng chính sách hỗ trợ tiền mặt, ổn định kỳ vọng tiêu dùng, khuyến khích xúc tiến du lịch,… diễn biến lạm phát xấu hơn dự kiến đang ảnh hưởng tới kế hoạch của Chính phủ. Mặc dù CPI ghi nhận lần giảm thứ tư liên tiếp do hiệu ứng giá dầu thô, nhưng xu hướng này khó duy trì trong các tháng tới.

Kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn kỳ vọng trong nửa cuối năm 2020 khi giá dầu thô thoát đáy và giá thịt lợn đang gia tăng. Trong tháng 5/2020, nhóm thực phẩm đóng góp gần 4% vào mức tăng chung của lạm phát, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Hậu quả của dịch tả lợn châu Phi (ASF) và Covid-19 dẫn đến thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trên khắp các tỉnh/thành. Trong khi thịt lợn nhập khẩu chưa phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam và chiếm tỷ trọng rất thấp, nỗ lực bình ổn giá từ Chính phủ chưa hiệu quả, cho đến thời điểm hiện tại. Trong những tuần gần đây, dịch tả lợn châu Phi (ASF) có dấu hiệu xuất hiện trở lại tại nhiều tỉnh/thành, qua đó trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động tái đàn và đẩy giá bán lẻ lên trên 100.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá dầu thô (WTI) đã tăng trở lại khi thế giới bắt đầu giai đoạn tái khởi động nền kinh tế. “Sự đảo ngược này chắc chắn sẽ gây áp lực mạnh lên giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Điều tích cực hiếm hoi là quy mô quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng gấp đôi lên 5.000 tỷ đồng sau 5 tháng của năm 2020. Kịch bản lạm phát ở mức 4% dần hiện thực hóa trong năm 2020” – các chuyên gia của VDSC nhấn mạnh./.

D.T