Thị trường ngày 5/12: Giá dầu, vàng, đồng và sắt thép đồng loạt giảm, đường thô thấp nhất 3,5 tháng - Ảnh 1.

Mỹ - Anh đạt được thỏa thuận thương mại, giá hàng hóa thế giới khởi sắc. Ảnh minh họa

Giá dầu thô tăng mạnh 3%

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/5, giá dầu Brent tăng mạnh 2,81% lên 62,84 USD/thùng, trong khi dầu WTI cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 3,17%, chốt ở 59,91 USD/thùng. Đây đều là các mức giá đóng cửa cao nhất của 2 mặt hàng dầu kể từ đầu tháng 5/2025.

Thông tin về việc Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ sau khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng toàn diện đã tạo tâm lý lạc quan cho thị trường dầu thô. Theo thỏa thuận, Mỹ giữ nguyên thuế suất 10% với hàng nhập khẩu từ Anh, trong khi Anh sẽ giảm thuế nhập khẩu từ 5,1% xuống còn 1,8% và cam kết mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, ô tô, thép và nhôm. Đây được xem là bước tiến quan trọng, củng cố quan hệ kinh tế giữa hai đồng minh truyền thống, đồng thời tạo hiệu ứng tâm lý tích cực trên thị trường tài chính và hàng hóa quốc tế

Thỏa thuận này cũng tạo động lực lạc quan cho giới đầu tư trong bối cảnh thị trường đang hướng sự chú ý tới cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến diễn ra tại Thụy Sỹ vào ngày 10/5.

Bên cạnh đó, thị trường lao động Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực khi cả hai số liệu về đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu và đề nghị tiếp tục trợ cấp thất nghiệp trong tuần làm việc kết thúc vào ngày 3/5 đều đã giảm, mạnh hơn so với dự đoán của thị trường; qua đó càng củng cố cho sự lạc quan của các nhà đầu tư.

Thị trường đậu tương phục hồi

Theo ghi nhận của MXV, giá đậu tương khép lại phiên giao dịch hôm qua với mức tăng 0,55% lên mức 383.9 USD/tấn, chấm dứt chuỗi ba phiên giảm liên tiếp nhờ loạt yếu tố hỗ trợ tích cực, đặc biệt là sự phục hồi của giá dầu đậu tương và thông tin xuất khẩu khả quan. Đáng chú ý, tỷ lệ giá đậu tương so với ngô vụ mới tiếp tục nới rộng,đạt mức cao nhất trong sáu tháng ở 2,34%, cho thấy xu hướng ưu tiên trồng đậu tương đang quay trở lại trong ngắn hạn.

Động lực quan trọng thúc đẩy đà tăng của các mặt hàng thành phẩm từ đậu tương, đặc biệt là dầu đậu tương, đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường năng lượng và lực kéo từ giá dầu cọ Malaysia

Về xuất khẩu, doanh số bán đậu tương tiếp tục duy trì ở mức khả quan theo báo cáo Xuất khẩu Hàng tuần (Export Sales). Cụ thể, doanh số bán đậu tương niên vụ 2024 - 2025 đạt 377.000 tấn, trong khi niên vụ mới ghi nhận gần 10.000 tấn. Dù không xuất hiện đơn hàng mới từ Trung Quốc, tổng doanh số bán hàng vẫn ổn định trong bối cảnh hiện tại. Lũy kế bán hàng cho niên vụ 2024 - 2025 đã đạt 47,72 triệu tấn, tương đương 96% mục tiêu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Đáng chú ý, trong báo cáo Daily Export Sales, USDA thông báo thêm 225.000 tấn đậu tương niên vụ mới đã được bán cho Pakistan, góp phần hỗ trợ tâm lý thị trường.

Về chính sách thương mại, thị trường kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới sẽ mang lại tiến triển tích cực, nhất là sau phát biểu của Tổng thống Donald Trump rằng các cuộc đàm phán “có thể thực chất” và nếu thuận lợi, các mức thuế hiện hành sẽ được xem xét điều chỉnh. Ngoài ra, việc Mỹ và Anh công bố chi tiết hiệp định thương mại mới cũng mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho hàng hóa Mỹ, trong đó có nông sản, qua đó củng cố thêm triển vọng xuất khẩu đậu tương trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc Brazil (Anec) cho biết, xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 5 có thể giảm xuống còn 12,6 triệu tấn – bất chấp việc nước này vừa thu hoạch xong vụ mùa kỷ lục và Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ. Ước tính hiện tại của Anec cho tháng 5 có thể còn được điều chỉnh tùy theo lịch tàu trong thời gian tới cho thấy khả năng sụt giảm 900.000 tấn so với cả tháng 4 năm nay và tháng 5 năm ngoái. Xuất khẩu giảm từ Brazil cho thấy áp lực cạnh tranh trên thị trường đã giảm bớt, giúp giá được hỗ trợ.