Tìm giải pháp đảm bảo nguồn lực cho phát triển văn hóa Phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa Phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của kinh tế Việt Nam

Đưa văn hóa thành công nghiệp đem lại lợi nhuận lớn

Sáng 14/5, trong phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư chương trình.

Cơ quan thẩm tra đánh giá, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Làm rõ căn cứ xác định nguồn vốn cho chương trình phát triển văn hóa
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho ý kiến tại phiên họp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, những năm qua, ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển hết sức mạnh mẽ, trở thành xu hướng phát triển trên thế giới. Với Việt Nam, chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, trở thành ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cho đất nước.

“Văn hóa là kinh tế, lâu nay ta cứ hiểu văn hóa chỉ là tiêu tiền, nhưng thực tế văn hóa là ngành đem lại rất nhiều tiền” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét và nêu nhiều ví dụ về các show trình diễn của những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng đã đem lại nhiều lợi nhuận cho các quốc gia.

Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục lưu ý, trong 3 CTMTQG đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện.

Đây cũng là vấn đề Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường băn khoăn. Theo ông, một số chỉ tiêu, đối tượng thụ hưởng quá rộng, khó khả thi, đề nghị làm rõ cơ sở để xác định các đối tượng này. Như vậy, sẽ bảo đảm các đối tượng này có cơ sở pháp lý xác định để quản lý chặt chẽ nguồn lực đầu tư; tránh trùng lặp hoặc bị bỏ sót.

Tổng mức vốn cao hơn các chương trình mục tiêu quốc gia đã có

Về dự kiến nguồn lực, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, cao hơn so với các CTMTQG đã và đang thực hiện. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình.

Bên cạnh đó, về ngân sách địa phương (NSĐP), nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ NSĐP chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Ủy ban đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương (NSTW) và vốn NSĐP; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ NSĐP; đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn NSĐP và tính toán đề xuất mức bố trí NSĐP phù hợp thực tiễn.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị làm rõ căn cứ và tính khả thi của việc xác định tổng nguồn vốn huy động hợp pháp thực hiện Chương trình; xác định rõ các nhiệm vụ, dự án có khả năng sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đồng thời, nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với khu vực tư nhân, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Làm rõ căn cứ xác định nguồn vốn cho chương trình phát triển văn hóa
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tại thời điểm hiện nay, về pháp lý thì chưa đủ cơ sở để thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho kế hoạch giai đoạn 2026 – 2030.

Tham gia ý kiến về nội dung bố trí vốn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận lưu ý, trong chương trình Bộ Văn hóa đề xuất một số hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện, giám sát… để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ với kinh phí bố trí trong năm 2025.

Tuy nhiên, các hoạt động này đã được NSNN đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương hàng năm. Sau khi khung chương trình được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương mới có căn cứ pháp lý xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn thực hiện. Do đó việc đề xuất bố trí vốn năm 2025 cần được xem xét lại.

Tuy nhiên, qua 2 kỳ thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, có thể thấy con số thông lệ là tổng số vốn đầu tư công giai đoạn 5 năm sau bằng khoảng gấp rưỡi giai đoạn 5 năm trước. Như vậy, tính toán sơ bộ thì mức vốn tối đa 50.000 tỷ NSTW cho chương trình này là hợp lý, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Về việc xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết và nhất trí đưa vào Chương trình. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công không quy định nội dung này nên cần phải trình Quốc hội cho ý kiến. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương, lúc đó các cơ quan sẽ tiến hành thiết kế, hướng dẫn triển khai các dự án ở nước ngoài.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp cũng giải thích tờ trình này để trình Quốc hội cho thông qua chủ trương. Sau khi Quốc hội thông qua thì Chính phủ mới giao Bộ Văn hóa tiến hành các bước cụ thể như làm hợp đồng tư vấn, báo cáo đầu tư, lộ trình… Tới lúc đó mới có đầy đủ, chi tiết danh mục.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, văn hóa là lĩnh vực rất trừu tượng, có nhiều nội dung định tính, không thể định lượng. Thực tế, trọng tâm chính của chương trình là các nội dung lớn như bảo tồn di sản; thiết chế văn hóa ở cấp địa phương, quốc gia….

Liên quan đến việc xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự kiến chỉ xây dựng ở một số quốc gia có đông kiều bào, để làm nơi giao lưu quảng bá văn hóa ở nước ngoài. Lấy ví dụ như Quốc hội đã phê duyệt cho xây dựng trung tâm văn hóa ở Pháp là 250 tỷ đồng, ở Lào là 190 tỷ đồng, Bộ trưởng cho biết hiện các trung tâm này đang làm tốt, nên xem xét phát triển thêm ở một số nơi như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật…