Bài 1: Chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi, tăng trưởng
Đất nước ta đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Nền kinh tế đã phục hồi ngoạn mục sau thời điểm dịch Covid-19. Kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh |
Vượt thu ngân sách để có nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế
Việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế. Chính sách tài khóa được ví như bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế quả không sai khi thời gian qua, trước thách thức chưa từng có trong tiền lệ, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Hỗ trợ khoảng 900 nghìn tỷ đồngTrong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Ước tính trong 4 năm khoảng gần 900 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện nền kinh tế và tài chính công của đất nước còn nhiều khó khăn thì đây là con số hết sức ý nghĩa. Cụ thể: Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng; năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng; năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng; năm 2023, khoảng 196 nghìn tỷ đồng; năm 2024 dự kiến khoảng 185 nghìn tỷ đồng. |
Minh chứng là chỉ số tăng trưởng về cơ bản, năm sau cao hơn năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2020 đạt 2,91%, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm 2011 - 2020, song thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Năm 2021, kinh tế Việt Nam đã cán đích với mức tăng trưởng GDP là 2,58%. Năm 2022, do Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phù hợp, kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, GDP tăng ở mức 8,02% so với năm 2021, cao nhất trong 10 năm qua. Năm 2023, GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn vẫn chưa vơi.
Điều đáng nói là trong nhiệm kỳ này (2021 - 2026), 3 năm liên tục vượt thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Để làm được điều đó, Bộ Tài chính đã có những sáng tạo, sáng kiến thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính - NSNN được giao mà không “tận thu”, không ảnh hưởng tới sức khỏe của doanh nghiệp, trong khi vẫn thực hiện đều đặn “khoan thư sức dân”.
Kết quả thu đạt và vượt dự toán đã minh chứng cho những nỗ lực đó. Liên tục trong 3 năm 2021, 2022, 2023 thu NSNN đều vượt dự toán. Thu NSNN năm 2021 đạt 1.591,5 nghìn tỷ đồng, vượt 17,2% (233,3 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Năm 2022 tổng thu ngân sách đạt 1.820,3 nghìn tỷ đồng, bằng 128,6% dự toán, tăng 14,4% so với năm 2021. Năm 2023 tổng thu NSNN đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, bằng 108,2% dự toán.
Đây là mức tăng thu khá tích cực, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ dừng ở mức 5,05%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, những giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vẫn liên tục được triển khai.
Tài khóa vững vàng, thêm dư địa hỗ trợ tăng trưởng
2024 là năm thứ 5 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô gói hỗ trợ trong 5 năm (tính cả năm 2024) ước lên tới gần 900 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, phải kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mạnh từ 10 - 50% của 36 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính… Các chính sách này được thực hiện đến hết năm 2024.
Do dịch bệnh Covid-19 chúng ta buộc phải thực hiện các chính sách “chưa từng có trong tiền lệ”. Những tưởng hết thời điểm này sẽ trở lại trạng thái bình thường, nhưng thực tế là “trạng thái bình thường mới”. Có nghĩa, khi người dân, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, các chính sách hỗ trợ vẫn liên tục gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện cho đến hết năm nay.
Liên tục trong các kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã dành nhiều lời khen cho nỗ lực điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính khi vừa phải lo nguồn chi cho nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhưng vẫn khéo léo điều hành chính sách tài khóa đảm bảo nguồn thu cho NSNN mà không ảnh hưởng tới “sức khỏe” doanh nghiệp.
Có cái nhìn bao quát về những “việc làm được” của Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đánh giá cao Bộ Tài chính.
Đại biểu nhận định: “Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Bộ Tài chính đã rất nỗ lực để thực hiện các mục tiêu đó. Đồng thời, đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; điều hành bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả”.
Quyết liệt chuyển đổi số, mở rộng cơ sở thuNgười đứng đầu ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từ khi về nhậm chức đã đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong ngành Tài chính. Chỉ có ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin, số hóa công tác quản lý mới có thể thu đạt và vượt dự toán NSNN mà không ảnh hưởng tới doanh nghiệp, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Để làm được điều đó, Bộ Tài chính đã liên tục có nhiều sáng kiến, giải pháp, tìm cách thu những khoản thu tiềm năng, những khoản mà trước đây chưa thu được hoặc thu được nhưng không đáng kể, như từ sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh thương mại điện tử… Đơn cử như số thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Chẳng hạn, năm 2018, khoản thu từ thuế này đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước đó. Tuy nhiên, sau 4 năm, vào năm 2022 số thu tăng 64%, lên 34.700 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất 6 năm. Hay như Bộ Tài chính triển khai Cổng Thông tin điện tử và thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; triển khai thực hiện Chương trình "Hóa đơn may mắn". Vận hành thành công Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 104 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử, với tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài nộp vào NSNN là 17.805 tỷ đồng. Trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ tập trung thu thuế đối với kinh doanh mua bán online. Theo đó, Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát các khoản thanh toán trên sàn thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua đó, sẽ thu được khoản thuế trong lĩnh vực này. Trong nửa đầu năm đã thu được gần 50.000 tỷ đồng từ các khoản thu này. Đây là một nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính, với những sáng kiến, sáng tạo, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thì mới có thể triển khai thực hiện được. |