Long An kết nối giao thương nông sản với các tỉnh, thành phố
Long An kết nối giao thương nông sản với các tỉnh, thành phố. Ảnh: Khánh Linh

Sáng 11/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Long An, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 tổ chức phiên làm việc thứ 15, với chủ đề "Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố".

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tỉnh có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp; dự kiến, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm 2021 ước khoảng 2,07%. GRDP bình quân đầu người tăng nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Năm 2010, mức trung bình là khoảng 23,2 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020, GRDP đạt khoảng 77 triệu đồng/người/năm và 2021 đạt hơn 80 triệu. Về cơ cấu, tỷ lệ nông, lâm, nghiệp chiếm hơn 15%.

Với khoảng 300.000 ha đất nông nghiệp, lúa vẫn là nông sản chính của Long An, với sản lượng khoảng 2,9 triệu tấn/năm, trong đó có 1,6 triệu tấn lúa chất lượng cao. Ngoài lúa, Long An còn sản lượng lớn về rau 200.000 tấn rau, 330.000 tấn thanh long, khoai mỡ khoảng 47.000 tấn...

Tuy nhiên, thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng bởi dịch: đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi có thể gặp khó khăn trong đợt tết do người dân hiện không mặn mà tái đàn.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà - đại diện Công ty TNHH San Hà, công ty là đơn vị cung ứng cho rất nhiều hệ thống siêu thị trong thị trường TP. Hồ Chí Minh. "Hiện tại, người dân Long An gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm lên thị trường TP. Hồ Chí Minh, dù có các nỗ lực rõ ràng nhưng khó khăn vẫn còn do thị trường TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự hồi phục hoàn toàn về kinh tế" - bà Hà nói.

Ông Lê Thành Úc - Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức (Long An), cho hay hiện nay, diện tích trồng chanh của tỉnh hơn 7.100 ha, trong đó, 1.200 ha ứng dụng công nghệ cao; sản lượng chanh khoảng 70.000 tấn/năm. Trong quy hoạch sắp tới, tỉnh sẽ đưa cây chanh thành cây chủ lực, tăng diện ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu lên 2.700 ha. Tuy nhiên, công tác tiêu thụ chanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã được các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ như TP. Hồ Chí Minh, nhưng sản lượng khó tiêu thụ vẫn còn khá nhiều.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Long An có một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, vừa nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, vừa là cửa ngõ thông thương của vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh cũng như xuất khẩu. Long An gần như có đủ tất cả các mặt hàng đáp ứng được nhu cầu của TP. Hồ Chí Minh; rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đánh giá cao các sản phẩm nông nghiệp của Long An.

Vì vậy, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Long An cần phát huy hơn nữa lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. "Không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà Long An cần chú trọng đầu tư cho xuất khẩu. Muốn như vậy thì chất lượng vẫn là tiêu chí hàng đầu" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị.

Không chỉ TP. Hồ Chí Minh, tại diễn đàn, đã có ít nhất 6 doanh nghiệp từ các tỉnh phía Bắc có nhu cầu đặt hàng nông sản với Long An để phục vụ thị trường tết. Các doanh nghiệp lớn cùng với ngành của các tỉnh cũng đã ký kết hỗ trợ thu mua nông sản của tỉnh Long An.