Sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 3. Nội dung đầu tiên được thảo luận là góp ý cho dự án Luật Thủy lợi.
Làm thay đổi nhận thức xã hội về công tác thủy lợi
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những điểm mới của dự án Luật là quy định về giá dịch vụ thủy lợi thay cho “thủy lợi phí” tại Pháp lệnh, thống nhất với pháp luật hiện hành (Luật Phí và Lệ phí không quy định “thủy lợi phí”).
Đồng thời, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”; giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi sẽ đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi, bên sử dụng dịch vụ thủy lợi.
Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ các dịch vụ thủy lợi phục vụ mục tiêu công ích (sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình; tiêu nước phục vụ dân sinh...), hỗ trợ dân sinh, sản xuất tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, hỗ trợ cho thiệt hại do thiên tai gây ra...
Nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCNMT) cho rằng, việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả các công trình thuỷ lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm. Để làm rõ các nội dung này, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung một số quy định về chủ thể cung cấp dịch vụ thủy lợi được thu tiền, các loại hình dịch vụ thủy lợi, bổ sung các loại dịch vụ về kiểm soát lũ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, khu dân cư tập trung, mua bán định mức sử dụng nước...
Đánh giá cơ chế tài chính cho thủy lợi là một nội dung đổi mới quan trọng của dự án Luật, tuy nhiên, đối với quy định về tài chính đối với thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng quy định Luật là khó khả thi vì hiện nay chi phí đầu tư cho thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chủ yếu do Nhà nước đầu tư. Nay nếu phải trả khoản dịch vụ thủy lợi nội đồng gồm cả tiền đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và dịch vụ bảo vệ công trình thì sẽ rất khó khăn cho người dân sản xuất nông nghiệp. Do vậy, UBKHCN đề nghị cần có quy định giao Chính phủ quy định thời điểm, lộ trình thu dịch vụ thủy lợi đối với thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng cho phù hợp với thực tế.
Cần cơ chế cụ thể để khuyến khích xã hội hoá dịch vụ thủy lợi
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Các quy định về tài chính tại dự án Luật đã cơ bản thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giá, trong đó, nội dung chuyển từ phí sang giá và đổi mới cơ chế tài chính là một điểm đổi mới rất quan trọng.
Tuy nhiên, góp ý cho chính sách miễn giảm dịch vụ thủy lợi cho người nông dân tại điều 38, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị đánh giá kỹ tác động, bởi theo nghiên cứu, nếu thực hiện như quy định này, trên 80% hộ nông dân sẽ không được hưởng chính sách miễn giảm phí, do đó sẽ có tác động khá lớn.
Theo điều 38 của dự thảo luật, chính sách này mới miễn giảm cho các hộ nông dân vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo…. Theo Thứ trưởng, cần quy định nhất quán là miễn giảm cho hộ nông dân, hoặc chặt chẽ hơn là hộ nông dân sử dụng đất trong hạn điền hoặc trong hạn mức được phép chuyển nhượng.
Cũng đồng tình với đề nghị của UBKHCNMT, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần bổ sung cơ chế khuyến khích xã hội hoá đầu tư vào thủy lợi. Cụ thể là bổ sung cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, tài chính, thuế, coi đây là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư để khuyến khích nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thủy lợi cho nông dân với giá thấp hơn giá thành.
Theo dự kiến, sau phiên họp này, dự án Luật Thủy lợi sẽ được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới./.
H.Y