Tại lễ công bố, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho hay, Báo cáo thường niên chuyển đổi số (CĐS) doanh nghiệp 2022 được dựa trên kết quả khảo sát kết thúc năm 2022 đối với 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khoáng; bán buôn và bán lẻ; giáo dục đào tạo; bất động sản… Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp và trên 80% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; 12,6% là doanh nghiệp lớn.

Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam có bước trưởng thành đáng kể
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Về mức độ sẵn sàng CĐS, 48,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã từng sử dụng một giải pháp CĐS nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc hiện tại doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được mục tiêu chuyển đổi số đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất.

Bên cạnh đó, 35,3% đã số hóa dữ liệu, quy trình (chủ yếu là đưa dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” để lưu trữ trên hệ thống); chỉ 2,2% doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.

Một số nghiệp vụ được doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số nhiều là: quản lý xe, vận chuyển hàng hóa; kế toán; bán hàng trên thương mại điện tử…

Về đầu tư cho chuyển đổi số, báo cáo cho biết chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ; 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Lo ngại hơn, có hơn 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.

Dù vậy, kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp về CĐS so với năm 2021, thể hiện ở số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này.

Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam có bước trưởng thành đáng kể
Ông Daniel Fitzpatrick – Giám đốc Dự án USAID LinkSME phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Tại lễ công bố ông Daniel Fitzpatrick – Giám đốc Dự án USAID LinkSME chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp đã được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS và hiện đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến và chiến lược CĐS của riêng mình, một số doanh nghiệp nhờ đó mà thực hiện quá trình CĐS nhanh và hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác. Dự án USAID LinkSME sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của Bộ KH&ĐT để đẩy nhanh hơn nữa quá trình CĐS cho doanh nghiệp Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ này sẽ bao gồm xây dựng thêm một số tài liệu sổ tay hướng dẫn CĐS, tổ chức tập huấn và cung cấp hỗ trợ chuyên sâu về CĐS cho những doanh nghiệp được lựa chọn – tất cả các hoạt động này dự kiến được thực hiện trong nửa đầu năm 2023”.