Muốn thu hút nhiều doanh nghiệp FDI cần cải thiện môi trường đầu tư
Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: Gia Cư

Sự kiện được tổ chức nhằm tiếp nối và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư 2022 của TP. Hồ Chí Minh. Tại diễn đàn, nhiều nhà đầu tư đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh có tình hình chính trị ổn định, có nguồn lao động trẻ chất lượng cao, am hiểu công nghệ và năng động.

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh có gần 11 nghìn dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư hơn 78 tỷ đôla Mỹ. Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã rất thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian tới để tiếp tục thu hút tốt nguồn lực này thì thành phố cần cải thiện môi trường đầu tư, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giao thông cảng biển, sân bay, hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng tay nghề, cải thiện năng suất lao động.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh việc cấp phép cho lao động nước ngoài, gia hạn giấy phép đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến...

Nhiều doanh nghiệp mong muốn, khi đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh có được sự minh bạch trong chính sách, tính nhất quán trong việc thực thi pháp luật; đồng thời đề nghị thành phố tăng cường tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp FDI để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài và các cơ quan chức năng để tổ chức diễn đàn đầu tư thường xuyên, đặc biệt tạo sự kết nối thường xuyên các nhà đầu tư FDI với chính quyền thành phố và các tỉnh phía Nam để thúc đẩy, hỗ trợ cho các nhà đầu tư tạo mạng lưới gắn kết thường xuyên của cộng đồng các nhà đầu tư FDI".

Điều lo ngại của nhiều nhà đầu tư FDI hiện nay là việc vận dụng thực thi pháp luật của cơ quan chức năng có khi mỗi nơi có cách hiểu, vận dụng khác nhau nên rất khó cho doanh nghiệp, có trường hợp sợ trách nhiệm.