Các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2021 vừa qua cho thấy, nền kinh tế đang có bước phục hồi tương đối khả quan trong quý IV/2021, khi tăng trưởng GDP đạt mức 5,22%. Điều đáng nói là sự phục hồi kinh tế diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nhưng nhờ độ bao phủ vắc-xin cao cũng như việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động đã có cơ sở để nhanh chóng thích ứng với điều kiện “bình thường mới”.

Năm 2022 - mục tiêu kép hoàn toàn khả thi

Trong năm 2022, có thể kỳ vọng rằng tốc độ phục hồi kinh tế sẽ ngày càng nhanh hơn khi độ bao phủ vắc-xin ngày càng rộng hơn. Khu vực xuất khẩu nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, ở mức 2 con số, nhờ nhu cầu từ nền kinh tế thế giới vẫn mạnh. Đặc biệt, các ngành dịch vụ như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn được dự báo sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc, khi cơ chế hộ chiếu vắc-xin được áp dụng rộng rãi.

Khó khăn lớn nhất đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 đến từ việc nhu cầu nội địa được dự báo vẫn còn yếu. Trong 2 năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục giảm (giảm 1,2% trong năm 2020 và 6,2% trong năm 2021 sau khi loại trừ yếu tố giá), do các biện pháp giãn cách xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người dân.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi đã tăng từ mức 2,42% trong quý I/2021 lên mức 3,56% trong quý IV/2021. Còn thu nhập bình quân/người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020.

Với nhu cầu tiêu dùng yếu, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho thị trường trong nước nhiều khả năng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2022. Để vực dậy khu vực này, Chính phủ cần có các biện pháp kích cầu như đẩy mạnh đầu tư công hay tăng quy mô trợ cấp cho người lao động và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Bất chấp những khó khăn nêu trên, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 vẫn được kỳ vọng sẽ cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra, có thể đạt mức trên/dưới 8%, nếu dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả và các địa phương không phải thực hiện giãn các xã hội quy mô lớn.

Trong khi tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng sẽ vượt mục tiêu đề ra, lạm phát trong năm 2022 cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, do nền kinh tế vẫn còn hoạt động dưới mức tiềm năng sau 2 năm tăng trưởng thấp (2,9% năm 2020 và 2,58% năm 2021).

Bên cạnh đó, các áp lực lạm phát từ việc giá xăng - dầu, giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới cũng sẽ suy giảm trong năm 2022, khi các chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới được khôi phục. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ cũng sẽ cản trở đà tăng của giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu. Riêng giá dầu thô còn bị kiềm chế bởi nguồn cung dầu đá phiến luôn sẵn sàng gia tăng khi giá dầu đạt mức cao.

Trong năm 2022, áp lực lạm phát có thể đến từ việc giá thịt lợn hiện nay đang ở mức thấp và có thể gia tăng khi nhu cầu phục hồi. Thêm vào đó, giá các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát như điện, nước, dịch vụ y tế và giáo dục cũng có thể sẽ được điều chỉnh. Hiện nay, lạm phát cơ bản của tháng 12/2021 chỉ tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020. Với việc các áp lực cầu kéo và chi phí đẩy lên giá cả trong tương lai gần đều yếu, lạm phát trung bình năm 2022 có thể sẽ chỉ xoay quanh mức 1,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Tóm lại, trong năm 2022, nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng cao hơn so với mục tiêu, nhờ chỉ so sánh với nền thấp của năm 2021, đồng thời các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được bình thường hóa nhờ độ phủ vắc-xin ngày càng rộng. Lạm phát trong năm 2022 cũng sẽ được duy trì ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn hoạt động dưới tiềm năng và áp lực lạm phát chi phí đẩy từ giá xăng - dầu, giá nguyên vật liệu thế giới giảm. Nói cách khác, trong năm 2022, khả năng Chính phủ đạt được mục tiêu kép Quốc hội đề ra là khá cao.

Tăng trưởng GDP năm 2022 vẫn được kỳ vọng sẽ cao hơn
so với mục tiêu Quốc hội đề ra

Bất chấp những khó khăn đặt ra, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 vẫn được kỳ vọng sẽ cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra, có thể đạt mức trên/dưới 8%, nếu dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả và các địa phương không phải thực hiện giãn các xã hội quy mô lớn.

Trong khi tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng sẽ vượt mục tiêu đề ra, lạm phát trong năm 2022 cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn hoạt động dưới mức tiềm năng sau 2 năm tăng trưởng thấp (2,9% năm 2020 và 2,58% năm 2021).