Nâng tầm vị thế cho nông sản vùng Tây Nguyên
Đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản. Ảnh: Gia Cư

Rất nhiều tiềm năng, lợi thế

Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp vùng Tây Nguyên vẫn phát triển ấn tượng, thị trường cà phê, hồ tiêu, cao su phục hồi mạnh mẽ, giá trị xuất khẩu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Nền tảng của nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục được củng cố với hàng loạt dự án lớn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, dồi dào về sản lượng, phong phú về chủng loại nông sản. Có nhiều nông sản dẫn đầu cả nước về sản lượng như: cà phê (651.000 ha, chiếm 91% diện tích cà phê cả nước), hồ tiêu (82.000 ha, chiếm 64%), bơ (15.000 ha, chiếm 78%), chanh leo (6.700 ha, chiếm 70%)...

Hiện khu vực Tây Nguyên có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, mắc ca, mật ong…, 583 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) được công nhận.

Nâng tầm vị thế cho nông sản vùng Tây Nguyên
Mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao tại huyện Đak Đoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: CTV

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, với khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh như càphê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh, phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh, Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng càphê, hồ tiêu, bơ, chanh leo. Nhờ vậy, nông nghiệp Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù có những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, nhưng sản xuất nông nghiệp còn phát triển tự phát theo phong trào, hiệu quả chưa cao, nên thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc còn thấp.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Tây Nguyên cần sớm vượt qua nhiều thách thức do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; ảnh hưởng biển đổi khí hậu, biến động thị trường. Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, liên kết các địa phương có vùng nguyên liệu tương đồng chưa được chú trọng đúng mức.

Nông nghiệp Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, thách thức do diện tích rừng tự nhiên có nguy cơ suy giảm về diện tích và chất lượng; nguồn tài nguyên nước đứng trước nguy cơ suy giảm, các công trình thủy lợi mới đáp ứng khoảng 28% diện tích cần tưới toàn vùng; tình trạng di dân tự do chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm…

Nâng cao hiệu quả kết nối chuỗi giá trị

Chỉ tính riêng tại tỉnh Đăk Lăk, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 650 nghìn ha (lớn nhất nước) và 735 nghìn ha đất lâm nghiệp. Đến nay, Đăk Lăk đã đón chào nhiều nhà đầu tư, quan tâm và có nhiều hoạt động đầu tư vào Đăk Lăk như: Từ năm 2010 đến năm 2021 có 73 dự án với tổng số vốn đầu tư 4.350 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Gia Lai, theo ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã chuyển đổi hơn 38.000ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn tỉnh hiện có gần 33.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khoảng hơn 200.000 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn. Đã hình thành được 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500 ha với các cây trồng chính như chuối, bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa…

"Tây Nguyên cần đẩy mạnh kết nối cả ở trong và ngoài nước, mở rộng không gian tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị hàng nông sản khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

“Tỉnh Gia Lai đang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chế biến. Toàn tỉnh có khoảng 231.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 42 doanh nghiệp và gần 12.000 hộ nông dân tham gia liên kết” - ông Thuyên cho biết thêm.

Các địa phương còn lại là Lâm Đồng, Đắk Nông và Kon Tum, mỗi địa phương đều có tiềm năng thế mạnh và khá tương đồng. Nếu như Lâm Đồng được xem là “thủ phủ" của ngành sản xuất, chế biến rau, hoa quả xuất khẩu, thì Đắk Nông lại được xem là “thủ phủ” của hồ tiêu và một số loại cây công nghiệp dài ngày. Còn tại Kon Tum gần đây nổi lên với tên gọi “bảo quốc” sâm Ngọc Linh cùng các loại dược liệu quý hiếm…

Hàng năm các địa phương này thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu độc quyền và đã có hàng chục dự án lớn từ trong và ngoài nước tìm về đầu tư với số vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi hiện nay là ở chỗ, làm gì để nâng tầm vị thế chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu cho hàng hóa nông sản Tây Nguyên khi nó còn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của các địa phương.

Theo ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, một trong những rào cản hiện nay, nhất là trong đợt dịch Covid -19 vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của chuỗi bảo quản, lưu trữ, vận chuyển hàng hoá là bài toán cần đặt ra giải quyết. Đặc biệt, Lâm Đồng là vùng sản xuất trọng điểm, nhưng chủ yếu vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, do đó chi phí logistics tăng cao khoảng 30% so với việc vận chuyển bằng đường thuỷ, đường sắt.

Mới đây, phát biểu tại diễn đàn “ kết nối Tây Nguyên”, ông Kpă Thuyên đề nghị các bộ, ngành trung ương mời gọi, kết nối các đối tác, doanh nghiệp đến Gia Lai đầu tư, hình thành và phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Gia Lai đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật và quy định của thị trường tiêu thụ các nước. Đồng thời, hỗ trợ Gia Lai phát triển hệ thống logistic trong lĩnh vực nông sản (từ sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu) để giúp nông sản hàng hóa có thế mạnh của Gia Lai tiến nhanh, tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Cùng chung ý tưởng, lãnh đạo các địa phương trong vùng, ngành nông nghiệp, các chuyên gia và các nhà đầu tư đều cho rằng, cần phải có tiếng nói chung, hành động chung bằng sự liên kết chuỗi giá trị cho hàng hóa nông sản khu vực Tây Nguyên xứng tầm, cất cánh.../.