Nâng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức, tăng tính ổn định thị trường chứng khoán
Việt Nam cần nâng quy mô tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức lên 40-60% như nhiều nước trong khu vực. Ảnh tư liệu

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn

Tính tới cuối tháng 2/2024 vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt gần 270 tỷ USD, tương đương 63% GDP năm 2023, với hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch.

Theo số liệu Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, đến cuối tháng 2/2024, số lượng nhà đầu tư là hơn 7,46 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân, tăng 5,3 triệu tài khoản so với đầu năm 2019. Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài là 16.434 và 4.546 tài khoản, tăng lần lượt là 7.059 và 1.200 tài khoản so với đầu năm 2019.

Tăng “chất” cho thị trường chứng khoán

Theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Trong đó, Chiến lược nhấn mạnh vào việc tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Với số lượng đông đảo và tỷ lệ chênh lệch quá lớn, nhà đầu tư cá nhân là động lực chính thúc đẩy các xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam, ngược với xu hướng của các thị trường phát triển trên thế giới là nhà đầu tư tổ chức làm nhiệm vụ dẫn dắt thị trường. Điều này cũng cho thấy, nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn thích tự đầu tư hơn là thông qua các tổ chức, bao gồm quỹ đầu tư.

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích Chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ lớn và nhà đầu tư cá nhân rất ít. Tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức cao là do tính chất của thị trường.

Ví dụ, ở Mỹ, chính phủ hoặc doanh nghiệp có những chương trình hưu trí, hoặc các quỹ hưu trí rất lớn. Các quỹ này được dùng để đảm bảo cho cuộc sống của người dân sau khi nghỉ hưu nên đòi hỏi người quản lý vốn (PM) có trình độ rất cao. Vì thế, một nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể đảm nhiệm được, nên các quỹ này sẽ thường được giao cho các PM ở các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quản lý.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng có những chính sách ưu đãi với các dòng vốn đầu tư với các chương trình hưu trí và các quỹ đầu tư, nên quy mô của các quỹ này rất lớn. Điều này làm cho tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức trên thị trường Mỹ cũng cao lên.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường cận biên chưa phát triển, nên tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức thường chiếm tỷ trọng lớn. Đây là đặc điểm của các thị trường cận biên và mới nổi. Do tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân cao, nên thị trường chứng khoán Việt Nam thường khá biến động với các tin đồn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân với kiến thức phân tích có phần hạn chế, thường dễ bị thao túng, hoặc đánh giá chưa chính xác về triển vọng của doanh nghiệp. Nếu tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức tăng lên, các bất cập này sẽ dần được giải quyết” - ông Hiếu phân tích.

Làn sóng dịch chuyển sang các quỹ ETF tăng

Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam khi tham gia đầu tư chứng khoán chỉ là “tay mơ”, chưa hiểu sâu về thị trường, nên gặp khó khăn trong việc kiểm soát tâm lý. Do đó, vai trò của nhà đầu tư tổ chức càng được khẳng định là trụ cột vững chắc để thị trường phát triển. Trong vài năm trở lại đây, số lượng nhà đầu tư tổ chức gia tăng, nhưng ở mức độ khiêm tốn, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản...

Thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ phát triển hơn hai thập kỷ, chưa có thời gian đủ lâu để thu hút và phát triển mạnh mẽ các nhà đầu tư tổ chức. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán phát triển đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, có thời gian phát triển hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nhà đầu tư tổ chức.

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến những pha tăng - giảm mạnh nhất thế giới, phần nào phản ánh đặc điểm một thị trường cận biên quy mô nhỏ, nhà đầu tư cá nhân chiếm đại đa số nên tâm lý dễ dao động. Vì vậy, Việt Nam cần nâng quy mô tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức lên 40-60% như nhiều nước trong khu vực.

Nâng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức, tăng tính ổn định thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thị trường cận biên, mang dáng vóc của thị trường đầu cơ, nên việc tiếp cận quỹ có tiêu chuẩn với quy mô khá nhỏ và thông thường có tính đầu cơ cao.

Như vậy, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì sẽ giảm bớt các yếu tố đầu cơ, tiếp cận quỹ có quy mô lớn hơn, dễ dàng cho sự dịch chuyển dòng vốn ngoại. Đối với những quỹ chủ động họ cũng có những quy tắc đầu tư khắt khe, thông thường ưu tiên nhóm thị trường mới nổi hơn là thị trường cận biên.

Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ các quỹ truyền thống sang các quỹ ETF đã và đang tăng. Do vậy, việc phát triển sản phẩm ETF tại Việt Nam là cần thiết để duy trì thanh khoản, giảm rủi ro biến động từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và hỗ trợ nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp là một trong các giải pháp trọng tâm của năm 2024. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới công chúng đầu tư để nâng cao hiểu biết pháp luật, hoạt động của thị trường chứng khoán, góp phần giúp công chúng đầu tư có kiến thức, thông tin phòng ngừa các hoạt động gian lận trên thị trường chứng khoán và trên không gian mạng./.