Giải đáp trực tiếp nhiều vướng mắc của doanh nghiệp

Tổng cục Thuế vừa tổ chức Hội nghị đối thoại các vấn đề vướng mắc liên quan đến thuế giữa Tổng cục Thuế và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, thời gian vừa qua, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, chưa từng có tiền lệ đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh đó, với tinh thần luôn đồng hành, hỗ trợ DN và người dân, hàng năm Tổng cục Thuế đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các DN trên cả nước liên quan đến các vấn đề phát sinh.

Ngành Thuế cải cách tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Riêng với VBF, sau mỗi kỳ hội nghị đối thoại, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc rà soát, tổng hợp các nội dung vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và đã có giải đáp cụ thể cho DN.

Nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý, nên thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tại hội nghị, các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Thuế đã giải đáp trực tiếp nhiều vướng mắc của các DN.

Cụ thể, liên quan đến kiến nghị bổ sung quy chế hướng dẫn về việc tham chiếu APA song phương đã ký bởi các công ty trong cùng tập đoàn của người nộp thuế (NNT) với các cơ quan thuế nước ngoài khác cùng chức năng với NNT tại Việt Nam, đại diện Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Quản lý thuế đã có cơ chế này để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình giải quyết hồ sơ của NNT.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Tổng cục Thuế đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.

Cũng theo quy định pháp luật hiện hành thì việc giải quyết hồ sơ APA của NNT cũng cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ngành có liên quan, nhất là đối với các hồ sơ song phương/đa phương có sự tham gia của các cơ quan thuế nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc giải quyết hồ sơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố chủ quan là mức độ tuân thủ của các DN trong việc thực hiện các quy định pháp luật. Còn yếu tố khách quan hiện nay là bối cảnh kinh tế có nhiều biến động ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của chính các DN nộp APA và kết quả thực hiện các Hiệp định đa phương (là kết quả chương trình hành động BEPS), đặc biệt là chính sách thuế bổ sung theo trụ cột II.

Ngoài ra, có nhiều DN đã nộp hồ sơ APA cho cơ quan thuế Việt Nam nhưng lại sử dụng cơ sở dữ liệu là thông tin, dữ liệu do DN/tổ chức tự cung cấp mà chưa được tổ chức nào kiểm chứng, xác nhận đảm bảo tính pháp lý nên chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành tại khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Do đó, đối với các hồ sơ APA song phương, đa phương, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo kiến nghị, đề nghị các DN, các hiệp hội chủ động tích cực phối hợp với cơ quan thuế Việt Nam, các bộ, ngành, các cơ quan liên quan của Việt Nam để tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo trình tự, thủ tục thực hiện các Điều ước quốc tế đã được quy định tại Luật Quản lý thuế.

Mong nhận được ý kiến đóng góp tích cực của doanh nghiệp

Trả lời về vấn đề xử lý thuế đối với hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đã có Công văn số 1180/TCT-CS ngày 25/3/2024 trả lời Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó nêu rõ các căn cứ pháp lý để DN thực hiện.

Còn liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính với hành vi xuất hóa đơn muộn, đại diện Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế) cho hay, đối với việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 đã quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính và khung tiền phạt tương ứng với từng hành vi vi phạm.

Ngành Thuế cải cách tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Theo đó, khung tiền phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn là từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng và mức phạt cao nhất đối với 1 hành vi vi phạm về hóa đơn là 50 triệu đồng (đối với tổ chức) đảm bảo thống nhất với quy định về khung tiền phạt và mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hóa đơn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính (mức tiền phạt tối đa không quá 100 triệu đồng trong lĩnh vực hóa đơn đối với tổ chức).

Mức tiền phạt tối đa không quá 100 triệu đồng trong lĩnh vực hóa đơn là áp dụng cho 1 hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn và số tiền phạt tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính là tổng mức tiền phạt cụ thể của từng hành vi vi phạm và không bị giới hạn bởi mức tiền phạt tối đa quy định tại điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã có giải đáp thỏa đáng các vấn đề VBF đặt ra, như thủ tục xin miễn, giảm thuế theo điều ước quốc tế đối với khoản vay của các Tổ chức tài chính quốc tế; ghi nhận chi phí đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào không kê khai khấu trừ hay không xin hoàn; thuế GTGT đối với máy móc thiết bị sử dụng cho xây dựng công trình cho DN chế xuất theo hợp đồng xây dựng trọn gói; hoàn thuế GTGT với trường hợp phá sản, đóng cửa, giải thể; quy định kê khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân nước ngoài sang Việt Nam công tác ngắn ngày…

Trong năm 2024, dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội 3 dự án luật quan trọng là Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), và Luật Thuế TNDN (sửa đổi); đồng thời, đang xây dựng nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Do các chính sách này sẽ có tác động trực tiếp đến một số DN, tập đoàn lớn, nên Tổng cục Thuế rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp tích cực của cộng đồng DN nói chung và VBF nói riêng.

Riêng với kiến nghị của các DN trong việc kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót đã được Bộ Tài chính tiếp thu đưa vào sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

Về kiến nghị liên quan đến thời điểm phát hành hóa đơn điện tử của hàng xuất khẩu, Tổng cục Thuế sẽ ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của VBF về tiêu chí xác định dự án đầu tư mở rộng, phân kỳ đầu tư để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính trong quá trình sửa Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun đánh giá cao tinh thần hợp tác của Tổng cục Thuế khi đã giải đáp toàn bộ 19 câu hỏi VBF đề xuất... Trên tinh thần này, VBF sẽ thường xuyên tập hợp các vướng mắc thực tế phát sinh và tổ chức các buổi đối thoại, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tăng tính cạnh tranh và đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, chính sách và thủ tục hành chính thuế luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của DN. Tổng cục Thuế luôn quan tâm và hỗ trợ tích cực các DN và xem đây là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống./.