Nhiều hội nghị được mở ra với mục tiêu tháo gỡ các rào cản, tìm giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp

Nhiều hội nghị được mở ra với mục tiêu tháo gỡ các rào cản, tìm giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

>> Doanh nghiệp mong chờ gì từ Nghị quyết 35/NQ

>> Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tiếp tục tập trung chăm lo, hỗ trợ cho DN

>> Thủ tướng: Các nghị định về điều kiện kinh doanh phải ban hành trước 1/7

Từ một chỉ hướng hợp lòng người của Chính phủ…

Trong hơn 30 năm đổi mới của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chứng kiến những nấc thang khác nhau về quan điểm, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Dù ở mỗi thời kỳ có sự quan tâm và chính sách khác nhau, nhưng tựu chung là đều hướng tới việc tạo điều kiện nhiều hơn, đưa ra những chính sách ngày càng sát thực hơn, cụ thể hơn cho việc đổi mới và phát triển của doanh nghiệp.

Mới nhất đây là Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được Chính phủ ban hành hôm 16/5. Đây được coi là một chính sách thể hiện quyết tâm và cách làm quyết liệt của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Bình luận về chính sách mới này, một chuyên gia kỳ cựu và uy tín – TS. Lê Đăng Doanh – nói: “Tôi cho rằng Nghị quyết số 35 là một nghị quyết hết sức quan trọng và tiến bộ của Chính phủ nhằm hỗ trợ DN trong điều kiện hiện nay. Nghị quyết đòi hỏi hầu hết các bộ, ngành đều phải cải cách để hỗ trợ DN, giúp DN phát triển”.

Còn với một người trong cuộc, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cũng “bộc bạch” rằng: Đây là Nghị quyết mà các doanh nghiệp mong chờ nhất, trong đó có Tổng Công ty May 10. Nghị quyết 35/NQ-CP chỉ rõ tư tưởng của Chính phủ đối với phát triển kinh tế của đất nước khi đặt điểm tựa chính là cộng đồng doanh nghiệp…

Đến câu chuyện “cứu” hay “không cứu” Hoàng Anh Gia Lai

Chính từ sự lan tỏa và đón nhận của người dân với Nghị quyết 35 của Chính phủ, mà câu chuyện hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai lại trở thành một ví dụ điển hình, được các phương tiện truyền thông đề cập, để thể hiện quan điểm và cách làm thực tế trong việc thực thi của các cơ quan chức năng với tư tưởng của Chính phủ đối với phát triển kinh tế của đất nước khi đặt điểm tựa chính là cộng đồng doanh nghiệp.

Về quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong vấn đề của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai”. Bởi vì, theo ông Nguyễn Phước Thanh: “Về nợ của Hoàng Anh Gia Lai, tôi khẳng định cân đối nợ với tài sản của Hoàng Anh Gia Lai không có vấn đề gì. Các khoản đầu tư, vay nợ đều có tài sản thế chấp. Hơn nữa, trong cơ cấu nợ hiện tại của Hoàng Anh Gia Lai thì nợ trung - dài hạn khá lớn và đều là nợ nhóm 1 (nợ có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn), không phải là nợ xấu”.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Kiên - một chuyên gia kinh tế và là vị Đại biểu Quốc hội uy tín đã đưa ra những phân tích, bình luận hết sức khách quan, thuyết phục và trách nhiệm, khi ông trao đổi trên truyền thông rằng: “Đề cập cụ thể tới trường hợp Hoàng Anh Gia Lai, chúng ta cần có cái nhìn đa diện, ít nhất là từ 3 góc độ: Từ phía Hoàng Anh Gia Lai, từ phía chủ nợ là 9 ngân hàng, từ phía dư luận và cơ quan quản lý là NHNN”.

TS. Nguyễn Đức Kiên phân tích: Đứng từ phía Hoàng Anh Gia Lai, khi họ thấy lãi dự báo trong tương lai là có, thì họ sẽ vẫn hy vọng. Đứng từ phía chủ nợ là 9 ngân hàng thì không chủ nợ nào lại muốn con nợ của mình “chết” và kết quả là mất cả vốn lẫn lãi. Vì vậy họ phải làm cách nào đó để nuôi sống con nợ, giữ nó sinh sôi nảy nở để ít nhất là thu hồi được nợ. Đó là lẽ đương nhiên.

Đứng từ phía xã hội, cơ quan quản lý là NHNN sẽ không bao giờ muốn có điều gì gây xáo trộn, đột biến, ảnh hưởng xấu tới hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan quản lý thì NHNN có trách nhiệm tạo được sự minh bạch trong cách hành xử. Đó là một việc khó và cần làm trước khi đưa ra quyết sách.

Theo đó, TS. Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm: “Cơ quan quản lý nhà nước phải đứng trên vị trí ngân hàng của mọi ngân hàng để xử lý trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai. Có nghĩa là NHNN phải đại diện cho quyền lợi của cả xã hội trong trường hợp này. Chúng ta cần đặt lợi ích của đất nước lên trước, sau đó tới lợi ích người lao động và cuối cùng mới là Hoàng Anh Gia Lai”.

Có thể thấy, đây là một quan điểm vừa thể hiện tính khách quan, trách nhiệm và tính gợi mở rất thiết thực trong vấn đề triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Bởi xét trên bình diện xã hội thì gia đình là một tế bào của xã hội. Đứng dưới góc nhìn của nền kinh tế, thì doanh nghiệp đóng vai trò là một chủ thể trong kết cấu của nền kinh tế. Chính vì vậy có thể nhìn quan điểm của TS. Nguyễn Đức Kiên trong mối quan hệ tương tác, ràng buộc lẫn nhau về lợi ích của Nhà nước – lợi ích của người dân và lợi ích của doanh nghiệp.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng, TS. Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra một góc nhìn rất khách quan, không nhìn việc cứu một doanh nghiệp cụ thể như Hoàng Anh Gia Lai một cách phiến diện, mà nhìn trong mối tổng quan lợi ích biện chứng, tương hỗ lẫn nhau.

Chính vì vậy, tại một cuộc trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc NHNN và các chủ thể liên quan xem xét việc giãn nợ, cơ cấu nợ cho Hoàng Anh Gia Lai khi DN này gặp khó khăn là một động thái tích cực.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ: “Về cơ bản, việc hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai vượt qua khó khăn trong giai đoạn này là việc nên làm. Lý do thứ nhất là Hoàng Anh Gia Lai đang gặp khó khăn tạm thời. Tất nhiên để vượt qua, khắc phục được khó khăn này thì họ cũng phải thay đổi, tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Nhưng với cách làm ăn tương đối bài bản, công khai minh bạch của Hoàng Anh Gia Lai, họ rất có nhiều khả năng vượt qua khó khăn.

Lý do thứ hai là việc hỗ trợ này thực chất là tạo điều kiện bằng cơ chế chính sách cho Hoàng Anh Gia Lai vượt qua khó khăn, chứ không phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ. Chẳng hạn là cho phép Hoàng Anh Gia Lai được giữ nguyên nhóm nợ. Với xếp hạng nợ nhóm 1, họ vẫn được tiếp cận vốn vay của ngân hàng, không bị chuyển sang nhóm nợ xấu.

Hơn nữa, Hoàng Anh Gia Lai lâu nay vẫn được đánh giá là DN làm ăn sòng phẳng, minh bạch và tạo ra nhiều đóng góp cho kinh tế và xã hội, như về ngân sách, việc làm, ổn định thu nhập người lao động, cũng như đóng góp lớn cho quan hệ hợp tác kinh tế với các nước Lào, Campuchia hay Myanmar”...

Qua nhiều ý kiến được phân tích một cách thấu tình đạt lý như trên, có thể thấy rằng Nghị quyết 35 của Chính phủ đang tạo ra một hiệu ứng xã hội tích cực, có thể hy vọng những nội dung của nghị quyết này sẽ không còn “nằm trên giấy” mà sẽ chuyển động tích cực trong thực tiễn./.

Mai Uyên