Động lực tăng trưởng đến từ chương trình phục hồi kinh tế

Báo cáo chiến lược mới công bố của Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, kinh tế Việt Nam giữ được đà hồi phục trong 2 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, nhóm bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong 3 tháng liên tiếp.

Vốn FDI giải ngân vẫn khả quan nhưng thu hút FDI mới suy giảm trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu cũng duy trì được đà hồi phục khi các doanh nghiệp, nhà máy khôi phục hoạt động với công suất đang dần quay trở lại mức trước dịch, đi kèm với nhu cầu nội địa và các thị trường xuất khẩu phục hồi.

Về thị trường chứng khoán, trong tháng 2, hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều điều chỉnh trước khả năng Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn để kiềm chế lạm phát, thêm vào đó là căng thẳng Nga–Ukraine leo thang đẩy giá hàng hoá tăng đáng kể. Dòng tiền theo đó cũng tìm đến các tài sản phi rủi ro để trú ẩn, như vàng.

Nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trước các rủi ro bên ngoài
Thị trường phản ánh tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư trước các rủi ro bên ngoài đang gia tăng. Ảnh: T.L

Trong bối cảnh đó, VN-Index tiếp tục giằng co trước ngưỡng 1.500 điểm – gần mức đỉnh cao lịch sử, tăng dưới 1% so với tháng trước đó. Mặc dù hầu hết các ngành đều tăng điểm trong tháng 2, ngân hàng và bất động sản giảm điểm mạnh đã tạo áp lực kéo điểm chỉ số. Đáng chú ý, ngành nguyên vật liệu tăng giá đáng kể trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao như thép, phân bón và hóa chất, cao su.

Mirae Asset cho rằng thị trường đang phản ánh tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư trước các rủi ro bên ngoài đang gia tăng. Điểm tích cực là thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện đáng kể trong tuần cuối của tháng 2, nhóm dầu khí, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng, may mặc và trang sức, vận tải đang thu hút dòng tiền tốt.

Với kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 ghi nhận mức tăng gần 37% so với cùng kỳ, Mirae Asset giữ nguyên mức dự báo EPS toàn ngành năm 2022, tương đương mức tăng gần 21% so với năm 2021. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ thuận lợi hơn trong bối cảnh vĩ mô phục hồi, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ.

Động lực tăng trưởng trong thời gian tới đến từ chương trình hồi phục kinh tế giai đoạn 2022−2023 có quy mô khoảng 4% GDP, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kích cầu tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khoảng 13% trong năm 2022, với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, nhu cầu bên ngoài hồi phục.

Chính sách nâng lãi suất của Fed ít tác động tới chứng khoán Việt Nam

Do không thay đổi dự phóng EPS năm 2022, Mirae Asset vẫn giữ nguyên mức kỳ vọng VN-Index sẽ có thể chinh phục ngưỡng 1.700 điểm (tương ứng với mức P/E hợp lý khoảng 16 lần) trong năm nay. Với mức tăng trưởng EPS kỳ vọng năm 2022 gần 21%, mức P/E forward cuối năm 2022 khoảng 14 lần, tương đối hấp dẫn so với một số nước khác trong khu vực. Hơn nữa, Mirae Asset đánh giá mức ROE hiện tại của Việt Nam (15,6%) đang cao hơn nhiều nước trong khu vực và có thể tiếp tục cải thiện nhờ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022.

Rủi ro có thể xảy ra liên quan đến dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát; rủi ro nợ xấu hay căng thẳng địa chính trị dẫn tới lạm phát toàn cầu, cũng như trong nước. Việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản nhanh hơn kỳ vọng để kiềm chế lạm phát cũng sẽ tác động tiêu cực đến thị trường.

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS cho biết, ở giai đoạn hiện tại, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát ở Việt Nam và chính phủ đang tiến hành mở cửa dần dần nền kinh tế. Điều này có thể là động lực chính giúp nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tăng trưởng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế của Chính phủ với tốc độ triển khai và quy mô của các gói này sẽ có tác động nhất định đến quá trình phục hồi và phát triển của kinh tế trong ngắn, trung và dài hạn. Ngoài ra, hiện tại lạm phát ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sự tăng giá của hàng hóa thế giới có thể tác động đến giá cả hàng hóa trong nước. Qua đó, tạo ra áp lực lớn lên lạm phát trong nước, cuối cùng sẽ gia tăng rủi ro lên thị trường.

Nói về tác động chính sách nâng lãi suất của Fed tới thị trường chứng khoán, ông Hiếu cho rằng về cơ bản sẽ có tác động không đáng kể đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc Fed tăng lãi suất có thể khiến một phần dòng vốn từ khối ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam bị rút ra do nhà đầu tư nước ngoài muốn hạn chế rủi ro khi thực hiện việc đầu tư ở thị trường cận biên như Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại diễn biến của thị trường thì khối ngoại đã có xu hướng bán ròng trong hai năm trở lại đây và áp lực bán của khối này được nhà đầu tư trong nước hấp thụ hoàn toàn. Do đó, giao dịch của khối ở thời điểm này thật sự không ảnh hưởng quá mạnh đến thị trường như giai đoạn trước đây.