![]() |
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Các nguồn thạo tin ngày 26/5 cho biết Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chi 900 tỷ yen (6,3 tỷ USD) cho các biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ, đánh dấu phản ứng tài chính đầu tiên của nước này đối với thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng quy mô của gói cứu trợ ước tính lên đến 2,8 nghìn tỷ yen, gồm chi tiêu của các chính quyền địa phương nhằm đối phó với nguy cơ suy thoái của toàn bộ nền kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tập trung vào các khoản trợ cấp cho hóa đơn tiện ích và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến tiền lương và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Dự kiến, Nội các Nhật Bản sẽ thông qua việc cấp vốn cho gói cứu trợ 900 tỷ yen vào ngày 27/5. Trong đó, 600 tỷ yen sẽ được phân bổ hỗ trợ giảm hóa đơn tiền điện và khí đốt trong mùa Hè, khoảng 300 tỷ yên dùng để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Theo chương trình trợ cấp hóa đơn tiện ích, chính phủ đặt mục tiêu giảm bớt 1.040 yen chi tiêu cho các hộ gia đình trong tháng Bảy và tháng Chín, giảm 1.260 yen trong tháng Tám. Đây là quãng thời gian có nhiệt độ mùa Hè lên cao nhất tại Nhật Bản.
Để bảo đảm khoản chi trên, Chính phủ Nhật Bản xem xét trích khoảng 388 tỷ yen từ Quỹ dự trữ dành cho tình trạng khẩn cấp và tận dụng các khoản vay lãi suất thấp.
Trước đó, Nhật Bản từng áp dụng chương trình trợ cấp hóa đơn tiện ích vào năm 2023, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida, để giải quyết giá năng lượng tăng cao do xung đột Nga-Ukraine và sự mất giá của đồng yen khiến chi phí nhập khẩu tăng cao./.