![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gia tăng sức ép đối với các đối tác thương mại khi tuyên bố áp đặt mức thuế quan từ 15-50% đối với các nước không mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ, đồng thời công bố loạt động thái thương mại đáng chú ý với Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc ngay trước thời hạn đàm phán 1/8.
Trong khi đó, Brazil lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cáo buộc Washington hành xử tùy tiện và vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc thương mại toàn cầu.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi chỉ giảm thuế nếu một quốc gia đồng ý mở cửa thị trường. Nếu không, thuế quan sẽ cao hơn nhiều!”
Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố trên chỉ 1 ngày sau khi chính quyền Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại mới với Nhật Bản, trong đó thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Nhật Bản vào Mỹ được điều chỉnh giảm còn 15%.
Thỏa thuận với Tokyo được đánh giá là bước đi mang tính chiến lược.
Theo Nhà Trắng, Nhật Bản đã đồng ý chi 8 tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm từ Mỹ như ngô, đậu nành, ethanol và phân bón.
Bên cạnh đó, Tokyo cũng sẽ mua 100 máy bay Boeing và các thiết bị quốc phòng trị giá hàng tỷ USD mỗi năm.
Đặc biệt, Nhật Bản cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào các lĩnh vực chiến lược tại Mỹ, bao gồm chất bán dẫn, dược phẩm, năng lượng và khoáng sản quan trọng. Đây được xem là cam kết đầu tư nước ngoài lớn nhất mà Washington từng đạt được.
Thỏa thuận cũng gồm việc Nhật Bản mở rộng nhập khẩu gạo từ Mỹ theo khuôn khổ của WTO, với mức tăng 75% ngay lập tức. Tuy nhiên, phía Tokyo khẳng định thay đổi này không ảnh hưởng đáng kể tới thị trường nội địa.
Tổng thống Trump cho rằng việc giảm thuế cho Nhật Bản là kết quả trực tiếp từ việc Tokyo lần đầu tiên chấp nhận mở cửa thị trường, đồng thời cảnh báo rằng các quốc gia không thực hiện điều tương tự sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn khi muốn tiếp cận thị trường Mỹ - mà ông coi là tốt nhất thế giới.
![]() |
Quang cảnh cảng hàng hóa Los Angeles, California, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đang chạy đua với thời gian để đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước thời hạn 1/8.
Bộ trưởng Công nghiệp mới được bổ nhiệm Kim Jung Kwan đã đến Washington tham dự đàm phán, cùng với các quan chức cấp cao khác như Bộ trưởng Tài chính Koo Yun Cheol và Bộ trưởng Thương mại Yeo Han Koo.
Cùng ngày, Chính phủ Australia cũng thông báo dỡ bỏ các hạn chế an toàn sinh học đối với thịt bò Mỹ - một động thái được cho là nhằm tạo thuận lợi trong đàm phán thuế quan với Washington.
Bộ trưởng Nông nghiệp Australia Julie Collins cho biết quyết định dựa trên quá trình đánh giá khoa học và rủi ro kéo dài suốt thập kỷ qua, đồng thời nhấn mạnh nước này không thỏa hiệp về an toàn sinh học.
Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Canberra có cơ sở để yêu cầu Mỹ giảm thuế thép và nhôm, cũng như tránh được các mức thuế cao, lên tới 200% đối với dược phẩm mà ông Trump từng đe dọa.
Trái ngược với các nước châu Á-Thái Bình Dương, Brazil ngày 23/7 đã lên tiếng phản đối gay gắt mức thuế 50% mà Mỹ dự kiến áp đặt từ ngày 1/8 - mức thuế cao nhất dành cho một quốc gia, với lý do chính trị liên quan đến vụ điều tra cựu Tổng thống Jair Bolsonaro.
Phát biểu tại cuộc họp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva, Thư ký Bộ Ngoại giao Brazil Philip Fox-Drummond Gough chỉ trích việc Mỹ áp thuế đơn phương là hành động hành động “tùy tiện,” “hỗn loạn” và “vi phạm nghiêm trọng” các nguyên tắc thương mại quốc tế, làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu và có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào vòng xoáy giá cả tăng cao và đình trệ.
Chính phủ Brazil đã đệ trình khiếu nại chính thức lên WTO, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên các giải pháp đàm phán và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, nhưng không loại trừ việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nếu các nỗ lực thương lượng thất bại.
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng cũng đang được nghiên cứu.
Tại bang Sao Paulo, trung tâm tài chính và công nghiệp lớn nhất Brazil, Thống đốc bang Tarcísio de Freitas đã công bố gói tín dụng ưu đãi trị giá 200 triệu real (36 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng. Gói hỗ trợ tập trung vào các ngành dễ tổn thương như đường, cà phê, nước cam, hóa chất và thép.
Bang Sao Paulo chiếm khoảng 30-32% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước với các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất ôtô, hóa chất, thép, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, dược phẩm và công nghệ cao. Theo ước tính, mức thuế mới có thể khiến GDP của bang này giảm 807 triệu USD.
Chính quyền bang nhấn mạnh việc duy trì khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh đối đầu thương mại ngày càng tăng và kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều bất ổn./.