Đồng rupiah của Indonesia dẫn đầu đà tăng của các đồng tiền châu Á sau thông tin Fed hạ lãi suất. Ảnh minh họa |
Chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index tăng 0,2% vào ngày 19/9, lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2023.
Đồng rupiah của Indonesia (IDR) tăng mạnh nhất, hiện giao dịch quanh mức mạnh nhất so với USD trong một năm. Tiếp theo là đồng won Hàn Quốc (KRW), còn ringgit Malaysia (MYR) chạm mốc cao nhất kể từ năm 2022.
Một số đồng tiền mới nổi khác, bao gồm peso của Mexico (MXN) và đồng rand của Nam Phi (ZAR), cũng đi lên so với USD.
Riêng VND ít biến động so với các đồng tiền khác tại châu Á. Cụ thể, so với phiên trước, tỷ giá VND/USD trên thị trường ngoại hối quốc tế chỉ tăng 0,2%.
“Chúng tôi kỳ vọng các đồng tiền châu Á sẽ còn tăng giá nhưng với quy mô hạn chế trong quý IV, trong bối cảnh đồng USD tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ bị đảo ngược vào năm 2025”, các chiến lược gia của Barclays nhận định.
Ngoài việc USD suy yếu, triển vọng kinh tế của châu Á cũng đang tạo thêm động lực cho các đồng tiền trong khu vực. Dữ liệu sản xuất tháng 8 tại Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc hay Việt Nam cũng cho thấy sự mở rộng.
“Các đồng tiền châu Á có thể đi lên, nhưng sẽ có người thua và kẻ thắng”, ông Alvin Tan, Giám đốc chiến lược về ngoại hối châu Á tại Royal Bank of Canada, nhận định.
“Triển vọng tăng trưởng và chính sách của châu Á rất đa dạng và điều này sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Đồng nhân dân tệ (CNY) và rupee Ấn Độ (INR) sẽ tụt lại, trong khi ngoại hối từ Đông Nam Á và won Hàn Quốc (KRW) có thể vượt trội hơn”, ông nói thêm./.